Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khơi dậy sức mạnh đoàn kết vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

19/10/2020 09:48

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất...”, trong những năm qua, toàn ngành y tế đã không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhiều sản phẩm mới, kỹ thuật mới, thiết thực, hiệu quả trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ tạo nên những thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị và toàn ngành.

Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VII (2020-2025), GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những chia sẻ về các kết quả triển khai các phong trào thi đua của ngành thời gian qua cũng như những bài học kinh nghiệm, định hướng của phong trào thi đua ngành y tế trong thời gian tới.

 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Trần Minh

PV: Thưa Quyền Bộ trưởng, trong 5 năm (2015-2020), toàn ngành y tế đã không ngừng nỗ lực thi đua vượt khó và đạt được kết quả đáng khích lệ. Xin Quyền Bộ trưởng cho biết về kết quả phong trào thi đua của ngành 5 năm qua?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua của ngành y tế đã có bước chuyển biến cả về nội dung và hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị theo từng năm, từng giai đoạn, đặc biệt là việc gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào của Đảng, Nhà nước phát động, góp phần giúp ngành y tế vượt qua những khó khăn thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động thi đua được tổ chức thường xuyên liên tục, vận dụng sáng tạo, phong phú, dưới hình thức “chiến dịch” ở mỗi đơn vị, thuộc các lĩnh vực công tác của ngành y tế như: Y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dược, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh... và đã đạt tới những kết quả được đánh giá cao. Có thể kể đến, phong trào “Chung tay giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng sự hài lòng của nhân dân”, phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, phong trào “Y tế Việt Nam đổi mới, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, phát động phong trào “Tăng cường Y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”,... Đặc biệt phải kể đến là phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19” hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã được ngành y tế phát động trong năm 2020.

Chúng ta đã khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm: như HIV/AIDS, Ebola, Zika, sốt xuất huyết... và điển hình mới đây là dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã khống chế, kiểm soát rất tốt sự lây lan ra cộng đồng, được người dân và quốc tế đánh giá cao. Nhiều sáng kiến trong các phong trào như: tổ chức hiến máu nhân đạo với phong trào: “Lễ hội Xuân hồng”; vận động thành lập các quỹ từ thiện, nhân đạo “Vòng tay nhân ái”, “Vì ngày mai tươi sáng”... đã thực sự gây xúc động, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, dư luận hoan nghênh.

Nhìn chung, các phong trào thi đua của ngành y tế đã được toàn thể cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong ngành và đông đảo nhân dân cả nước tích cực tham gia, hưởng ứng. Các phong trào trên đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn ngành y tế trên cả nước và đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy, khơi gợi để từng cá nhân, đơn vị phấn đấu luôn hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2015-2020.

Bộ Y tế luôn quan tâm và kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua với công tác khen thưởng, trong các phong trào thi đua đã phát hiện ra những Anh hùng Lao động, những điển hình tiên tiến. Và công tác khen thưởng lại thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển. Từ các phong trào thi đua này, nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế ghi nhận,

biểu dương, khen thưởng, nhờ đó đã góp phần lan tỏa và tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành y tế nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

PV: Quyền Bộ trưởng đã nhắc đến phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng chống dịch COVID-19”. Vậy xin Quyền Bộ trưởng chia sẻ thêm thông tin về phong trào thi đua đặc biệt này với bạn đọc?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Năm 2020 là một năm đặc biệt của ngành y tế khi dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế cùng với các bộ, ngành địa phương và nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19” đã phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc cùng đồng lòng, đoàn kết, việc thực hiện thắng lợi đợt thi đua đặc biệt để thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch; bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân và ổn định kinh tế, xã hội.

Các phong trào thi đua của Bộ Y tế đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đội ngũ cán bộ ngành y tế, động viên, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế cùng tham gia. Phong trào thi đua “Hướng về y tế cơ sở, cán bộ y tế làm theo lời Bác dạy: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền” và “Thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn hệ thống” là những điển hình về tổ chức phong trào thi đua. Nhiều cán bộ y tế không quản ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện đi vào vùng tâm dịch, điều này thể hiện sự trân quý, đạo đức cao quý của nghề y, tôi đánh giá rất cao những phong trào và những tấm gương điển hình đó.

 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long họp giao ban trực tuyến cùng đội chống dịch tiền phương (trong đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Đà Nẵng). Ảnh: Trần Minh

PV: Thưa Quyền Bộ trưởng, để đạt được những kết quả về thi đua trong 5 năm qua, ngành y tế đã có những bài học kinh nghiệm gì?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Từ thực tiễn phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, công tác thi đua, khen thưởng sẽ phát huy được vai trò, tác dụng to lớn, nếu được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của người đứng đầu và các tổ chức đoàn thể; phân định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, của lãnh đạo đơn vị với trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong tổ chức phong trào thi đua theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức, đoàn thể vận động, cán bộ, công chức tham gia hưởng ứng”. Thực tế là, những nơi nào cấp ủy Đảng và lãnh đạo quan tâm thì nơi đó phong trào thi đua phát triển và công tác khen thưởng được thực hiện nghiêm túc và ngược lại.

Hai là, trong công tác thi đua, khen thưởng luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng thiết thực. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tinh thần, nội dung, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và của Bộ đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong toàn cơ quan đơn vị và phải làm một cách thường xuyên, liên tục.

Ba là, công tác thi đua, khen thưởng được coi là một nhiệm vụ, một nội dung quan trọng của các cấp ủy Đảng, của cơ quan, đơn vị và phải được cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch công tác hàng năm, không phó thác cho cấp dưới, cơ sở và từ những nhiệm vụ, công việc cụ thể, thường xuyên hàng ngày của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bốn là, công tác thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tình hình kinh tế - xã hội chung của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, phải có phong trào, có mục tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện, có tiêu chí đánh giá, sơ kết, tổng kết kịp thời.

Năm là, thi đua là biện pháp để bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, thi đua góp phần xây dựng Tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh.

Sáu là, công tác khen thưởng cần phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ, thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đấy, khen thưởng phải đúng người, đúng việc, đúng thành tích, công bằng, kịp thời; chú trọng khen thưởng người lao động, người làm trực tiếp bảo đảm khen thưởng là đòn bẩy kích thích phong trào thi đua yêu nước ở các cơ quan, đơn vị.

PV: Để phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành y tế tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ Y tế có những định hướng về phong trào thi đua trong giai đoạn tiếp theo như thế nào, thưa Quyền Bộ trưởng?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế của phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020, đẩy mạnh phong trào thi đua trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế đã đề ra phương hướng: Đổi mới mạnh mẽ toàn diện ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật thi đua, khen thưởng hiện hành; hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào thi đua do cấp trên phát động; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, công tác tổ chức phong trào thi đua trong nhiệm vụ công tác.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức phát động và triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa các phong trào thi đua ngành y tế nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể. Công tác thi đua cần thiết thực, cụ thể hơn nữa. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; ủng hộ, lan tỏa những tấm gương tốt, những điển hình hay, quyết liệt xử lý đối với những hiện tượng không phù hợp.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng tại cơ quan, đơn vị; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để thi đua khen thưởng ngày càng thực chất và trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực đặc thù, khen thưởng người lao động trực tiếp và lập được thành tích nổi bật, xuất sắc. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các hoạt động thi đua khen thưởng, qua đó nhân rộng phong trào thi đua, các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành y tế.

Với truyền thống vẻ vang và sự nghiệp cao cả của ngành y tế, thấm nhuần lời dạy của Bác “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, tôi tin tưởng rằng tập thể cán bộ, công chức ngành y tế sẽ làm nên nhiều kỳ tích trong phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho phong trào thi đua chung của toàn quốc, huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Quyền Bộ trưởng!

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

thanh lam