Doanh nghiệp gặp khó
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, dịch Covid-19 kéo lùi kinh tế thế giới, kìm hãm sự phát triển kinh tế Việt Nam. DN là đối tượng chịu tổn thất lớn về kinh tế khi phải ngừng kinh doanh, hàng loạt DN sản xuất đóng cửa. “Việt Nam cần ít nhất 3 năm để kinh tế có thể quay lại điểm phát triển như cuối năm 2019. Trong thời gian đó, áp lực đối với các nhà quản lý phải thay đổi cách quản lý linh hoạt thông qua cơ chế chính sách thông thoáng, áp lực của DN là tồn tại” - TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.
Doanh nghiệp nỗ lực hoạt động duy trì sản xuất, kinh doanh
Dù chủ động thay đổi, thích ứng rất tốt với Covid-19 trong đợt 1, Công ty Sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế vẫn phải buộc tạm ngừng sản xuất gần 1 tháng trong đợt dịch lần 2. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc công ty - cho biết, mô hình kinh doanh phải gắn liền với tính an toàn, thích ứng và khả năng chống chịu. Nếu làm tốt vấn đề này, đến năm 2023, DN mới hoàn lại trạng thái cơ bản như năm 2019, khi đó, mới tính đến phát triển.
Ông Phan Hải - Giám đốc Công ty TNHH BQ - cho rằng, hành vi của người tiêu dùng trong và sau dịch Covid-19 đợt 1 đã thay đổi rõ rệt và dịch Covid-19 đợt 2 là thời gian lý tưởng để người tiêu dùng khẳng định lựa chọn hành vi tiêu dùng của mình. Ngoài nhu cầu tiện lợi, người tiêu dùng đã hướng đến nhu cầu an toàn, yêu cầu về yếu tố sức khỏe, môi trường trong kinh doanh, tiêu dùng. “Hành vi của người tiêu dùng thay đổi, DN thương mại cũng phải thay đổi để thích ứng theo kịp. DN cần ít nhất 2 năm để căn chỉnh, tồn tại” - ông Hải cho hay.
Chủ động ứng phó
Từ Covid-19, DN có được bài học phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thay đổi, thích ứng và có phương án dự phòng cho những rủi ro. “Chúng tôi cũng dùng thời gian phải tạm dừng sản xuất do nằm trong tâm dịch để nghiên cứu cải tiến, đầu tư máy móc, thiết bị, hoàn thiện phương án dự phòng, đảm bảo sản xuất liên tục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi”, bà Nguyễn Thị Nhị - Giám đốc Công ty TNHH May Tiến Thắng - chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, dịch Covid-19 lần 2 tác động tiêu cực nghiêm trọng đến kinh tế TP. Đà Nẵng. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền thành phố đã nỗ lực hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất của DN để phần nào “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch”. Theo đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.Song song với hỗ trợ DN, thành phố đã chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón “làn sóng” chuyển hướng đầu tư. Cụ thể, TP. Đà Nẵng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép cho những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh; đẩy mạnh quảng bá về thành phố kết hợp xúc tiến đầu tư tại chỗ để tận dụng tối đa nguồn lực…