Sông Sài Gòn bị “xẻ thịt”: Những doanh nghiệp có công trình vi phạm nói gì?

25/11/2019 17:30

Sau khi báo chí đăng loạt bài "Sông Sài Gòn xẻ thịt", cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và buộc tháo dỡ những công trình vi phạm. Về vấn đề này, chủ doanh nghiệp có công trình vi phạm bị tháo dỡ đã có thông tin phản hồi.

Sông Sài Gòn bị “xẻ thịt”: Những doanh nghiệp có công trình vi phạm nói gì?

Sau khi báo đăng, nhà hàng này buộc phải tháo dỡ

Biết vi phạm nhưng vẫn triển khai kinh doanh

Sáng 21/11, trao đổi với phóng viên, bà Tạ Thị Thanh Thủy - Giám đốc Nhà hàng Villa Sông Sài Gòn xác nhận, cơ quan chức năng đã buộc công trình nhà hàng của bà phải tháo dỡ.

"Tôi nghĩ công việc của báo chí là đi tìm ra những cái góc khuất, những cái không hợp lý để cùng các cơ quan quản lý và chính quyền lập lại trật tự. Đấy là một việc rất là tốt, bên tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này của báo và không có vấn đề gì cả." - bà Thủy nói.

Lý giải về việc tại sao biết công trình xây trái phép những vẫn đầu tư kinh doanh trong 6 năm qua, mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Bà Thủy cho rằng, nhà hàng này xây cách đây 6 năm, khi đầu tư xây dựng thì có được sự đồng ý của cấp chính quyền là cứ xây đi, sau này nếu có chính sách lấy lại thì phải chấp hành.

"Theo tôi hiểu thời trước, nhiều người không có gắt gao về vấn đề hành lang bảo vệ bờ sông như hiện nay. Hiện giờ tôi cũng ủng hộ chính quyền làm đường chạy ven sông và đường cho người đi bộ như báo nêu. Vì vậy, khi chính quyền yêu cầu tháo dỡ thì bên tôi chấp hành. Tuy nhiên, làm thì phải công bằng, chứ không thể chỉ tháo dỡ công trình tôi, còn các công trình vi phạm khác thì không đụng đến." - bà Thủy nói.

Ủng hộ thu hồi đất làm công trình công cộng ven sông

Ông Minh đã tháo dỡ khuôn viên và trả lại con hẻm nối ra tận bờ sông
Ông Minh đã tháo dỡ khuôn viên và trả lại con hẻm nối ra tận bờ sông.

Chủ động liên hệ đến phóng viên, ông Nguyễn Quang Minh - TGĐ Công ty Cát Tiên Sa cho biết, năm 2015 ông mua lại một khu đất ven sông của Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận.

"Tôi cho lắp thanh chắn, chốt bảo vệ và bố trí người đứng canh gác mục đích chính là để phòng ngừa trộm cắp. Tuy nhiên, có lẽ bảo vệ ngăn cản và tra hỏi người dân đi vào nên gây bức xúc. Hiện tôi cho tháo dỡ hết thanh chắn, chốt bảo vệ và không bố trí đứng canh gác nữa." - ông Minh nói.

Về một đoạn hẻm công cộng cuối giáp bờ sông, trước đây đã được ông Minh làm khuôn viên, tiểu cảnh cho riêng tòa nhà của mình, đã bị chính quyền buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng hẻm ban đầu được ông Minh giải thích:

"Tôi đã chủ động cho tháo dỡ toàn bộ khuôn viên, đồng thời cho san ủi làm lại đoạn hẻm cuối nối ra bờ sông. Hiện mọi người dân đều có quyền tự do đi vào con hẻm này, bảo vệ cũng như người quản lý tòa nhà bên tôi không có bất kỳ sự ngăn cản nào." - ông Minh nói.

Ông Minh cũng ủng hộ quan điểm là hai bên bờ sông nên làm hai tuyến đường chạy ven sông, kèm theo những công viên công cộng để phục vụ cộng đồng.

"Tôi không rõ công tác quy hoạch hai bên sông Sài Gòn của cơ quan chức năng thế nào. Nhưng nếu nhà nước thu hồi đất ven sông của nhà tôi để làm công trình công cộng, thì tôi ủng hộ và chấp hành." - ông Minh nói.

Chính quyền sẽ giám sát việc tháo dỡ

Nhà hàng 197/1 Nguyễn Văn Hưởng này cũng buộc tháo dỡ vì trái phép
Nhà hàng 197/1 Nguyễn Văn Hưởng này cũng buộc tháo dỡ vì trái phép.

Ngược lại với sự ủng hộ chấp hành của nhiều chủ đầu tư bị buộc tháo dỡ, cũng có doanh nghiệp tỏ ra bức xúc khi bị buộc tháo dỡ. Đơn cử như Nhà hàng Village Tapas Bar, địa chỉ 197/1 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền quận 2, thuộc Công ty NHHH Làng Thảo Điền diện bị buộc tháo dỡ đã tỏ ra không phục.

"Báo đã đăng bài rồi, chính quyền vào cuộc kiểm tra rồi cứ để chính quyền giải quyết. Việc khi nào công trình nhà hàng này tháo dỡ chúng tôi không việc gì phải cung cấp thông tin đến báo. Hồ sơ dự án nhà hàng cũng như thời gian tháo dỡ nhà hàng thì báo làm việc với cơ quan chức năng." - đại diện nhà hàng nói.

Ông Nguyễn Văn Hoàn - phụ trách xây dựng của UBND Phường Thảo Điền, quận 2 cho biết, các doanh nghiệp vi phạm bị buộc tháo dỡ thì phải chấp hành nghiêm. "Doanh  nghiệp cam kết tự tháo dỡ thì chính quyền sẽ để cho họ tự tháo dỡ trong một thời gian nhất định mà pháp luật cho phép. Nếu quá thời gian quy định mà không chấp hành, thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc cưỡng chế và xử lý nghiêm." - ông Hoàn nói.

 
Chính quyền địa phương sẽ giám sát việc tháo dỡ của công trình trái phép này.

Theo Lao Động

Tin liên quan

Hóa giá bèo “đất vàng”, quan chức ngã ngựa Quỹ đất còn lại ở Thủ Thiêm trị giá 22.000 tỷ

Cùng dòng sự kiện

Từ khóa: Sông Sài Gòn

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo bizlive.vn