Những sản phẩm OCOP Hà Nội

18/11/2019 18:30

TP. Hà Nội là địa phương triển khai mô hình OCOP sau tỉnh Quảng Ninh nhưng đã đạt được một số thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố năm 2019 (đợt 1) đối với 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Những mục tiêu của OCOP
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Mục tiêu chính của OCOP nhằm xây dựng hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã), ban hành Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm; Ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên phạm vi cả nước; Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện từ 8 - 10 mô hình Làng văn hóa du lịch, triển khai xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những vùng có đủ điều kiện.Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP và đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.200 cán bộ quản lý nhà nước (cấp trung ương, tỉnh, huyện) thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

Phạm vi thực hiện chương trình OCOP được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trong toàn quốc; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị. Các đối tượng thực hiện bao gồm các loại sản phẩm và chủ thể thực hiện. Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Chủ thể thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Nguyên tắc thực hiện chính của OCOP là sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bắt đầu từ năm 2013 đến 2016 chương trình OCOP đã được khẳng định là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất và là thương hiệu hiệu riêng có của tỉnh Quảng Ninh. Sau 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã xây dựng được 121 sản phẩm, trong đó có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao theo tiêu chuẩn tại cuộc thi đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh diễn ra vào tháng 5-2016.

Năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình OCOP dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, các chủ thể sản xuất phải chủ động về ý tưởng sản phẩm, thị trường, sản xuất, chế biến, tiêu thụ; nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại. Từ đó, ngày càng nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 421 sản phẩm tham gia OCOP, trong đó 196 sản phẩm được xếp hạng sao.

Từ năm 2019, tỉnh tổ chức hội chợ OCOP kết hợp với thương mại thay thế cho hội chợ thương mại thường niên. Cũng như, thường xuyên tổ chức tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước... Hiện nay, nhiều sản phẩm như: Nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long...đã dần khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường thông qua việc tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thị BigC, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, khách sạn... 

Những kết quả OCOP của Hà Nội

TP. Hà Nội là địa phương triển khai mô hình OCOP sau tỉnh Quảng Ninh nhưng đã đạt được một số thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố năm 2019 (đợt 1) đối với 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Cụ thể, có 11 sản phẩm đạt 3 sao, 13 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Ngoài 2 sản phẩm được đề nghị cấp 5 sao, các sản phẩm đã được UBDN TP. Hà Nội phân hạng 3 sao và 4 sao chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là các sản phẩm OCOP đến từ 5 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Thanh Oai và Thường Tín. Các sản phẩm được phân hạng 3 sao, 4 sao thông qua quá trình đánh giá nghiêm túc, trách nhiệm.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Hạng 5 sao là sản phẩm cấp quốc gia, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hạng 3, 4 sao là sản phẩm cấp tỉnh; các sản phẩm 1-2 sao là các sản phẩm khởi đầu của OCOP sẽ phấn đấu để đạt các thứ hạng cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và các doanh nghiệp thăm quan gian hàng OCOP

Để được công nhận các sao, sản phẩm OCOP sẽ qua đánh giá tại cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương thông qua các tiêu chí: Sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc...Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, các sản phẩm được phân hạng 3 sao, 4 sao thông qua quá trình đánh giá nghiêm túc, trách nhiệm. Trên cơ sở kết quả đánh giá, ông Nguyễn Văn Sửu đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn các chủ thể OCOP thực hiện việc sử dụng và in nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì theo đúng quy định. Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, sau khi được phân hạng, các sản phẩm OCOP vẫn sẽ được tổ chức kiểm tra định kỳ. Các vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định nếu vi phạm các tiêu chuẩn xếp loại. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá và xếp hạng cấp thành phố, 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia. 

Hà Nội cũng giống như các địa phương trong cả nước đang phải  đối mặt với ba thách thức lớn gồm: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất bình thường ảnh hưởng đến sản xuất; hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực lớn cho các sản phẩm trong nước. Đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc do những tồn tại từ nội tại sản phẩm và cả những lý do khách quan. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết.

Các chuyên gia nhận định, thông qua các hoạt động kết nối của Hà Nội vưà qua, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của công chúng tiêu dùng Thủ đô.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Quyết Tuấn
Theo Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam