Một tuần đáng nhớ với những cột mốc quan trọng trong chính sách tài chính, ngân hàng

23/11/2019 17:30

Thị trường tài chính ngân hàng vừa trải qua một tuần với nhiều sự kiện có thể được xem là quan trọng bậc nhất kể từ đầu năm tới nay.

Hạ lãi suất huy động và cho vay kể từ ngày 19/11

Tối 18/11, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin về việc hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, áp dụng kể từ ngày 19/11. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Ngay sau đó, ít nhất 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã công bố chính sách cho vay mới đối với nhóm khách hàng ưu tiên, trong đó Vietcombank, BIDV và Agribank áp dụng mức lãi suất chỉ 5%/năm, tức là thấp hơn 1% so với mức quy định của NHNN. Đây là lần giảm lãi suất cho vay thứ 3 của các nhà băng này kể từ đầu năm tới nay.

Không chỉ giảm lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên mà một số ngân hàng còn tiên phong giảm lãi suất ở các lĩnh vực khác. Chẳng hạn Vietcombank hạ 0,5% lãi suất cho vay với tất cả các doanh nghiệp có khoản vay từ 01/11  đến 31/12/2019, BIDV giảm 0,2 - 0,5% lãi suất hay MB, Vietcapital Bank, MSB, Kienlongbank tung ra gói tín dụng ưu đãi.

Nhưng việc hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng còn đáng chú ý hơn. Theo đó, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2014 Ngân hàng Nhà nước mới lại can thiệp yêu cầu giảm trần lãi suất huy động. Các mức lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng chỉ còn tối đa 0,8% thay vì mức 1% trước đó, còn lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm.

Ngay trước khi có quyết định của NHNN thì nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất từ ngày 18/11, và sang ngày 19/11 thì lãi suất đồng loạt về dưới 5%/năm cho các kỳ hạn ngắn. So với trước đó, lãi suất huy động giảm từ 0,2 - 0,5% ở tất cả các kỳ hạn và tùy thuộc từng ngân hàng.

Việc can thiệp vào lãi suất huy động của NHNN lần đầu tiên trong 5 năm được cho là bước đi cần thiết để giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, qua đó kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống trong năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ rằng "phấn đấu giảm 0,5% lãi suất cho vay".

Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Trong tuần, NHNN cũng ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020.

Theo đó, NHNN chính thức siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn của các ngân hàng theo lộ trình kéo dài đến năm 2022. Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ 01/01/2020 - 30/9/2020 là 40%; từ 01/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; từ 01/10/2021 - 30/9/2022 là 34%; từ 01/10/2022 là 30%.

Siết tín dụng đổ vào bất động sản

Bên cạnh việc quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì thông tư 22 của NHNN cũng tăng tỷ lệ hệ số rủi ro đối với kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%; Các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.

Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.

Quy định lại trần tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi

Thông tư 22 còn quy định về trần tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR).

Theo đó, từ ngày 1/1/2020, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa 85%. Đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập trong 3 năm đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định tỷ lệ cụ thể khác với các tỷ lệ nêu trên đối với từng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy quy định mới sẽ đối xử công bằng giữa ngân hàng nhà nước với tư nhân. Hiện theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, LDR tối đa của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 90%; ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 80%.

Siết hoạt động công ty tài chính tiêu dùng

Trong tuần này, NHNN cũng ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016 cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Công ty tài chính phải thực hiện quản lý, giám sát, thống kê hoạt động cho vay tiêu dùng tách bạch với các hoạt động cho vay khác của công ty tài chính, tách bạch cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng với phương thức giải ngân cho vay tiêu dùng khác.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra lộ trình chi tiết đưa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng về mức 30%. Theo đó, tỷ lệ này tối đa ở mức 70% trong năm 2021. Năm 2022, tỷ lệ tối đa là 60%; năm 2023 là 50% và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Được biết hiện nay ở nhiều công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ cho vay tiền mặt phổ biến ở mức trên dưới 70%, thậm chí có công ty còn hơn 90%.

Tăng mức phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Một chính sách quan trọng nữa được ban hành trong tuần vừa qua đó là Nghị định 88 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực từ 31/12/2019.

Tại quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ, tổ chức tín dụng sẽ bị phạt tiền từ 20 – 150 triệu đồng với các hành vi vi phạm quy định về nhận tiền gửi như không công bố hoặc không niêm yết công khai nội dung về nhận tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá theo quy định; nhận tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá không đúng quy định...Tổ chức tín dụng sẽ bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng khi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn, phí cung ứng dịch vụ, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh...

Biện pháp khắc phục hậu quả được đưa ra trong Nghị định 88 là buộc nộp vào ngân sách số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mức phí dịch vụ. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ đề nghị hoặc yêu cầu cấp thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 1-3 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm hoặc chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm.

Ngoài ra mức phạt đối với các hoạt động mua bán ngoại tệ, vàng trái phép cũng được điều chỉnh mạnh so với quy định cũ. Chẳng hạn nếu tổ chức kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu vàng miếng không có giấy phép sẽ bị phạt 300 - 400 triệu đồng, nếu không niêm yết giá vàng khi bán  có thể phạt tới 50 triệu đồng; nếu chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì bị phạt 30 - 50 triệu đồng....

Quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng

Trong tuần Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2020.

Cụ thể, mức vốn pháp định đối với các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng như sau:1- Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; 2- Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; 3- Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; 4- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); 5- Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; 6- Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; 7- Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; 8- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; 9- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

So với quy định hiện hành thì mức vốn pháp định của ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính và cho thuê tài chính là không đổi.

Tuy nhiên mức quy định đối với quỹ tín dụng thì thay đổi rất nhiều. Trước đây quy định tại năm 2010 cho đến trước 15/1/2020 thì quỹ tín dụng nhân dân cơ sở chỉ yêu cầu vốn pháp định có 0,1 tỷ đồng tức là 100 triệu đồng. 

Tăng mức cho vay ưu đãi với học sinh, sinh viên

Tuần qua cũng có Quyết định 1656/QĐ-TTg của Thủ tướng điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV. 

Theo đó, mức cho vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ 15/6/2017 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1 triệu đồng/tháng/HSSV.


Tùng Lâm (t/h)

Theo Trí thức trẻ

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo cafef.vn