Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo về lưu chuyển dòng vốn toàn cầu tháng 11/2019.
Tín hiệu đảo chiều của dòng vốn
Báo cáo cho biết, sau khi hút vốn mạnh trong năm 2017, các quỹ đầu tư cổ phiếu vẫn giữ chân được dòng vốn trong gần hết năm 2018. Tuy vậy, sức ép của lần tăng lãi suất thứ 4 trong tháng 12/2018 đã khởi đầu cho sự dịch chuyển dòng vốn từ cổ phiếu sang trái phiếu. Trong 11 tháng kể từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu. Đây là đợt rút vốn mạnh nhất và kéo dài nhất của cổ phiếu trong vòng 4 năm trở lại đây. Cùng thời gian này, các quỹ đầu tư trái phiếu có dòng vốn chảy vào khoảng 372 tỷ USD.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm cùng với sự leo thang xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư. E ngại rủi ro, dòng tiền tìm đến các kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu, vàng và đồng tiền phòng vệ, trực tiếp khiến giá các loại tài sản này tăng mạnh. Chỉ trong 3 tháng 6, 7 và 8, giá vàng đã tăng trên 20%. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm sâu và cũng chạm đáy vào cuối tháng 8.
Để ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ do cuộc chiến thương mại gây ra, FED đã chuyển hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng với 3 lần hạ lãi suất từ tháng 7. Sau mỗi lần FED giảm lãi suất, các quỹ đầu tư cổ phiếu đều ghi nhận có inflow, tuy nhiên, phải đến lần giảm thứ 3 vào cuối tháng 10, dòng vốn vào cổ phiếu mới ghi nhận dương 3 tuần liên tiếp. Các quỹ cổ phiếu ở cả thị trường mới nổi và phát triển đều ghi nhận inflow, trong đó nhiều nhất là các quỹ đầu tư toàn cầu và dưới dạng quỹ ETF.
Khảo sát mới nhất ngày 12/11/2019 của Bank of America Merrill Lynch cho thấy những thay đổi tích cực trong triển vọng tăng trưởng kinh tế và thay đổi định hướng phân bổ tài sản. Có 43% nhà quản lý quỹ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện trong vòng 12 tháng tới – tăng 6% so với mức 37% tại khảo sát tháng 10 và là mức tăng tỷ trọng mạnh nhất theo tháng kể từ 1994 đến nay; và 52% tin tưởng rằng cổ phiếu sẽ là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong năm 2020.
Các chỉ số chứng khoán S&P 500 và Dow Jones tăng 23,4% và 19,1% kể từ đầu 2019 đến nay nhờ đảo chiều chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng của FED và các chỉ số kinh tế vẫn khá vững vàng của Mỹ. Các chỉ số đo lường xác suất khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ đều giảm trong đợt công bố mới nhất. Với các tín hiệu từ kinh tế, chính sách tiền tệ và khảo sát các nhà đầu tư, thời điểm hiện tại có thể là lúc giới đầu tư nhận thấy có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư cổ phiếu và cần phải thay đổi chiến lược phân bổ tài sản.
Làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng là nguyên nhân chính khiến dòng vốn đảo chiều
Đây là nhận định được các chuyên gia của SSI Research đưa ra.
Cụ thể theo báo cáo, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc bất chấp các nỗ lực chống đỡ của Chính phủ. PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc liên tục 6 lần từ tháng 4/2018 đồng thời thay đổi cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất, bơm mạnh tiền qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) và giảm lãi suất MLF. Bên cạnh nới lỏng tiền tệ, Trung Quốc cũng đẩy mạnh chi tiêu công, giảm thuế, phát hành trái phiếu địa phương…
Mặc dù đánh đổi lạm phát và rủi ro của hệ thống tín dụng để kích thích tăng trưởng, nguy cơ suy thoái kinh tế của Trung Quốc vẫn ngày càng rõ ràng hơn. Tăng trưởng GDP giảm liên tiếp 5 quý và Q3/2019 rơi xuống 6% yoy, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6%-6.5% trong năm 2019. Các dấu hiệu đã rõ đến mức Chính phủ Trung Quốc cũng không thể che giấu. Báo cáo của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đưa ra dự báo tăng trưởng GDP 2020 của nước này chỉ là 5,8%.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cùng với chiến tranh thương mại đã khiến ngành sản xuất của tất cả các nước suy giảm. Chỉ số PMI của Mỹ, Anh, EU, Đức, Nhật đã giảm liên tục và hiện đều ở mức dưới 50. Chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì với mức lãi suất -0,1% tại Nhật, 0% tại EU, 0,75% tại Anh và 1,5-1,75% tại Mỹ. Làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng với tổng cộng 139 đợt giảm lãi suất của các NHTW từ đầu năm đến nay, trong đó có một số NHTW giảm tới 3 -4 lần. Lãi suất tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử.
Chương trình nới lỏng định lượng (QE) kéo dài giai đoạn 2008-2017 đã mở rộng bảng cân đối kế toán của FED tới 4.500 tỷ USD (tuy có thu hẹp sau đó nhưng chỉ giảm bớt khoảng 390 tỷ USD). QE cũng được ECB duy trì từ 2015 đến 2018 và vừa tuyên bố tái khởi động lại trong tháng 11/2019.
Một lượng lớn trái phiếu chính phủ được các NHTW mua lại để tăng lượng cung tiền ra thị trường. Trong khi đó, rủi ro gia tăng khiến các nhà đầu tư tìm đến TPCP nhiều hơn và khiến cho lợi tức TPCP giảm rất sâu trong năm 2019 và đang ở vùng thấp nhất lịch sử. Dư địa tăng giá của TPCP vì vậy đã giảm đi đáng kể. Do đã tăng giá mạnh và không gian nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn không còn nhiều, thị trường đã bắt đầu nói đến nỗi lo bong bóng trên thị trường trái phiếu.
Thị trường ngoại hối đang chịu áp lực từ quá nhiều biến động khó lường của chiến tranh thương mại, Brexit, các diễn biến địa chính trị…
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu nổi lên là kênh đầu tư có tiềm năng trong các kênh đầu tư truyền thống. Nới lỏng tiền tệ khiến lượng vốn giá rẻ tràn ngập, chi phí vốn thấp làm tăng mức chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư khi cân nhắc chiến lược phân bổ tài sản.
Vẫn phải thận trọng với rủi ro dòng vốn đảo chiều trở lại
Dẫu vậy, theo nhóm phân tích, nhà đầu tư cần thận trọng với dòng vốn đảo chiều như vậy.
Cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có mối liên hệ rõ ràng hơn với dòng vốn của các quỹ đầu tư so với các thị trường phát triển. Chỉ số MSCI Emerging market đã có lúc tăng tới hơn 4% trong 3 tuần vừa qua, khi có khoảng 5,2 tỷ USD chảy vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi và trong bối cảnh căng thẳng thương mại tạm lắng.
Niềm tin vào các nỗ lực trong cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc trước kỳ bầu cử 2020 của Mỹ và thời kỳ vốn rẻ tràn lan trên toàn cầu đã thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu. Tuy nhiên, dòng vốn tăng thêm 4 tuần vừa qua ở EM tập trung nhiều vào các quỹ đầu tư toàn cầu và phần nhiều đổ vào thông qua các ETF nên dòng vốn vào nhanh nhưng cũng có thể ra nhanh.
Chiến tranh thương mại vẫn là rủi ro lớn nhất có thể làm đảo chiều dòng vốn. Kể từ tuyên bố áp thuế lần đầu tiên lên 50 tỷ hàng hóa Trung Quốc của Mỹ vào ngày 15/6/2018, dòng vốn của các quỹ cổ phiếu ở thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) đã có đợt rút mạnh kéo dài 6 tháng liền và đảo chiều trong 5 tháng đình chiến sau đó. Lần đình chiến thứ hai kéo dài đúng 1 tháng (7/2019) cũng khiến dòng vốn chảy ra chững lại. Giai đoạn hiện tại có thể coi là lần đình chiến thứ 3 và diễn biến dòng vốn cũng rất tương thích. Bởi vậy, bất kỳ tín hiệu tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có thể tác động mạnh đến xu hướng vốn vào các thị trường mới nổi.
Riêng với Trung Quốc, dòng vốn đầu tư trở về nước để hỗ trợ nền kinh tế từ nửa cuối 2018 đã bắt đầu suy giảm. Có vẻ như các nguồn vốn đầu tư mà Bắc Kinh có thể chi phối đã chạm giới hạn trong khi những diễn biến ảm đạm của kinh tế trong nước đã khiến dòng vốn rời bỏ Trung Quốc gia tăng. Theo dữ liệu của EPFR, dòng vốn rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Trung Quốc là khoảng 10 tỷ USD.
Theo Trí thức trẻ