“Kỷ vật chiến trường” tri ân những người hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc

27/07/2020 16:17

Hàng trăm “kỷ vật chiến trường” đang được trưng bày ở bảo tàng Ninh Bình đã tái hiện một phần cuộc sống, chiến đấu, quá khứ hào hùng nhưng đầy bi tráng, những hy sinh mất mát, cống hiến thầm lặng của những người lính đã hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019) Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình tổ chức trưng bày chuyên đề "Kỷ vật chiến trường". Hàng trăm hiện vật là những kỷ vật của những người lính năm xưa đã được trưng bày tại triển lãm.

Hàng trăm "kỷ vật chiến trường" đã được Bảo tàng Ninh Bình sưu tầm trong thời gian dài. Đây đều là những kỷ vật được nhưng cựu binh ở Ninh Bình lưu giữ sau khi kết thúc hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hành trang của người lính năm xưa gồm: chiếc ba lô con cóc, đôi dép cao su, khẩu súng, chiếc đàn ghi ta, cuốn nhật ký... khiến người xem không khỏi xúc động bởi sự mộc mạc, đơn sơ, giản dị của những người không tiếc máu xương, tuổi thanh xuân lên đường đánh giặc bảo vệ Tổ quốc.

Đại diện bảo tàng Ninh Bình cho biết, các hiện vật sưu tầm từ các cựu chiến binh rất khá phong phú, đa dạng, gồm: trang phục chiến đấu, đồ dùng sinh hoạt, phần thưởng cấp trên trao tặng các chiến sỹ, chiến lợi phẩm, những kỷ vật của chiến sỹ và gia đình, các thư từ, tài liệu...

Những chiếc ba lô con cóc đã bạc màu sờn chỉ, đây là kỷ niệm không thể nào quên của những người lính khi đã đi theo họ cả một cuộc chiến đấu trường kỳ. Bên trong ba lô không chỉ chứa các vật dụng sinh hoạt mà còn chứa đựng cả tấm lòng, tình cảm, kỷ niệm của người hậu phương. Mang theo chiếc ba lô ra chiến trường là mang theo cả trọng trách lớn với Tổ quốc, với Dân tộc.

Những hiện vật trưng bày nhằm tái hiện một phần về cuộc sống, chiến đấu của người lính bộ đội cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến, qua đó giúp thể hệ hôm nay hiểu thêm về một thời quá khứ hào hùng nhưng đầy bi tráng của cha ông, những hy sinh mất mát to lớn, những cống hiến thầm lặng của người lính trên chiến trường.

Trưng bày“kỷ vật chiến trường” như một lời tri ân sâu sắc đến tất cả những người đã chiến đấu, hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

Đôi dép cao su không còn quai của cựu chiến binh Đinh Văn Làu, xã Gia Tường, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Đôi dép đã theo ông qua biết bao nhiêu chặng đường gian khổ, chông gai của Tổ quốc trên chiến trường. Hòa Bình lập lại, ông giữ đôi dép như một kỷ vật đến chết cũng không bỏ rời.

Trưng bày các kỷ vật chiến trường là dịp để thế hệ hôm nay hình dung được diện mạo chân thực của cuộc chiến, cảm nhận rõ sự khốc liệt, gian khổ và sứ mệnh vô cùng vinh quang mà những cựu binh đã trải qua vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Những chiếc cặp lòng đựng cơm bằng nhôm đã bạc màu sơn, chiếc còn quai. chiếc mất... tất cả gây ấn tượng với thế hệ trẻ về một thời "cơm đùm cơm nắm" đánh thắng giặc Pháp và Đế quốc Mỹ.

Từng lọ thuốc, băng, kim khâu, và những vật dụng y tế dù đã cũ nhàu, thậm chí hư nát vẫn được các cựu chiến binh lưu giữ. Chính những vật dụng nhỏ bé này đã cứu sống biết bao đồng đội, đồng chí bị thương ở chiến trường khốc liệt và gian khổ.

Những chiếc ca nước úa màu thời gian in hình người lính bộ đội cụ Hồ và cô du kích đã cùng nhau đứng lên kiêu hãnh để bảo vệ Tổ quốc, quyết đánh thắng giặc Mỹ năm xưa.

Trong hành trang người lính, những lá thư viết vội, những dòng nhật ký đầy nước mắt, những con tem hay những bài thơ của một thời đã xa giờ đều là những kỷ vật quý vô giá.

Những dòng nhật ký  "Trên đường ra trận" viết vội của một người lính viết ngày 15/12/1974 ghi rõ: "Thế là kết thúc đợt về phép chiến đấu ngắn ngủi. Thôi từ đây ta lại xa quê, xa cha, xa mẹ, xa vợ, xa các em và tất cả bà con cô bác. Ta ra đi không hẹn trước bao giờ trở lại..."

Vũ khí thô sơ nhưng đánh thắng được giặc Mỹ hùng mạnh. Sự chiến đấu kiên cường của người lính bộ đội cụ Hồ đã làm xóa tan đi khoảng cách về sự mạnh bạo của quân đội ngoại quốc đến xâm lược Việt Nam. Người lính chiến đấu với tinh thần quả cảm không để mất dù một tấc đất nhỏ nhất của Tổ quốc.

Những khẩu súng được các cựu binh Ninh Bình lưu giữ làm kỷ vật chiến trường cũng được trung bày tại triển lãm.

Vật dụng sinh hoạt như: chiếc bình đựng nước, chiếc đèn dầu, chiếc bật lửa hay chiếc đĩa đều được làm từ những phế liệu chiến tranh do các cựu binh tự tay mày mò chế tạo để phục vụ sinh hoạt cho cuộc sống đời thường. Hoạt động trưng bày chuyên đề “kỷ vật chiến trường”còn có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Tuấn
Theo https://dantri.com.vn/doi-song/ky-vat-chien-truong-tri-an-nhung-nguoi-hy-sinh-tuoi-thanh-xuan-cho-to-quoc-20190727152220382.htm