Kiến nghị thống nhất tên gọi “căn hộ du lịch”

19/11/2019 07:30

Hiệp hội Bất động sản TPHCM vừa có văn bản góp ý Dự thảo Quy chuẩn Quốc gia về nhà chung.

Theo đó, tại Mục 1.4.7 dự thảo QCVN giải thích căn hộ du lịch (condotel) là “Căn hộ có các trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú, tạm trú”.

Theo Hiệp hội, hiện nay có nhiều loại hình cơ sở lưu trú du lịch như: Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch (condotel); Nhà nghỉ du lịch; Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Home stay); Bãi cắm trại du lịch; Tàu thủy lưu trú du lịch…

Trong một số khu du lịch (resort) quy mô lớn ở nước ta có 4 loại hình cơ sở lưu trú du lịch như Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch (condotel); Nhà phố du lịch. Riêng cụm từ “Căn hộ du lịch (condotel)” đang được dùng để gọi chung cho 3 loại cơ sở lưu trú du lịch là: (i) Căn hộ du lịch; (ii) Biệt thự du lịch; (iii) Nhà phố du lịch. Do vậy, cần xác định khái niệm “Căn hộ du lịch (condotel)” trong QCVN được áp dụng đối với căn hộ du lịch (condotel) trong tòa nhà có từ 2 tầng trở lên trong khu du lịch (resort).

Hiệp hội đề nghị hoàn thiện khái niệm “Căn hộ du lịch (condotel)” là “Căn hộ của tòa nhà trong khu du lịch (resort), có từ 2 tầng trở lên, có các trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú, tạm trú”.

Bên cạnh khái niệm “Căn hộ văn phòng (Officetel)” (Mục 1.4.8), Hiệp hội đề nghị bổ sung thêm loại hình “Không gian làm việc chung (Co-working space)” trong tòa nhà cao tầng, cho thuê bàn làm việc, chỗ làm việc, bao gồm cả xưởng thực nghiệm, chế tác thử, phòng họp và các dịch vụ phục vụ cho người làm việc tại đây, rất cần thiết đưa vào QCVN để thống nhất quản lý.

Hiện nay, loại hình “Không gian làm việc chung (Co-working space)” đang phát triển rất mạnh ở các đô thị lớn, nhất là phục vụ cho đối tượng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trẻ. Mục 1.4.13 dự thảo QCVN giải thích “diện tích sử dụng căn hộ” là “Diện tích sàn được tính theo kích thước thông thủy của căn hộ: bao gồm diện tích sàn có kể đến tường/vách ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích ban công, lô gia, không tính diện tích phần sàn có cột, có hộp kỹ thuật nền bên trong căn hộ; không bao gồm diện tích tường/vách bao tòa nhà/căn hộ, tường/vách phân chia giữa các hộ”.

Hiệp hội nhận thấy, cách giải thích này chưa đầy đủ vì chưa bao gồm khối tích bên trong căn hộ được xác định bởi mặt trong của vách bao nhà chung cư, vách phân chia giữa các hộ liền kề, vách hành lang chung cư, mặt dưới của sàn chung cư. Do vậy, chủ sở hữu căn hộ sẽ không có quyền sở hữu và cả quyền sử dụng đối với mặt trong của vách bao tòa nhà, vách phân chia giữa các căn hộ liền kề, vách hành lang chung cư; mặt dưới của sàn chung cư. Bên cạnh đó, việc giải thích diện tích sử dụng căn hộ một cách đầy đủ, cũng là nhằm phòng ngừa việc tự ý đục tường, trổ cửa căn hộ chung cư.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi Khoản (1.a) Điều 100 Luật Nhà ở về “Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của nhà chung cư”, để quy định: “Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm: a) Phần diện tích bên trong căn hộ được tính theo tim tường bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó”.

Theo Bình Minh

Sài Gòn đầu tư tài chính

Link báo gốc: https://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/kien-nghi-thong-nhat-ten-goi-can-ho-du-lich-74263.html

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo cafef.vn