Kho bạc Nhà nước “chấm điểm” các ngân hàng như thế nào?

05/12/2019 17:30

Không phải ngân hàng thương mại nào cũng có cơ hội được bỏ thầu lãi suất cho nguồn tiền gửi lớn từ Kho bạc Nhà nước, mà phải “qua rào” hàng loạt điều kiện chọn lọc.

Như BizLIVE đã đề cập ở bản tin trước, theo quy định mới của Bộ Tài chính, từ tháng 11/2019, nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước bắt đầu được cơ cấu lại, về số lượng, kỳ hạn và lãi suất, gửi tại các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu.

Theo đó, trên cơ sở cân đối nguồn ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi tại mỗi thời điểm, Kho bạc Nhà nước sẽ gửi thông báo đến những ngân hàng thương mại được chọn chào thầu.

Quy định trên được đánh giá là sẽ tạo thay đổi lớn và có ảnh hưởng tới nguồn tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, đến cân đối vốn và có thể gián tiếp ảnh hưởng tới lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng thương mại nào cũng có cơ hội được bỏ thầu lãi suất cho nguồn tiền gửi lớn này mà phải “qua rào” hàng loạt điều kiện khắt khe.

Cụ thể, muốn được bỏ thầu, thành viên đó phải nằm trong danh sách các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính.

Đồng thời, phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá về quy mô tổng tài sản , tổng vốn chủ sở hữu , chất lượng tín dụng và kết quả hoạt động kinh doanh do Bộ Tài chính quy định.

Kho bạc Nhà nước “chấm điểm” các ngân hàng như thế nào? - Ảnh 1.

Tiêu chí "chấm điểm" các ngân hàng

Trong đó, quy mô tổng tài sản là tiêu chí quan trọng nhất, khi chiếm trọng số tới 55% tổng điểm. Những ngân hàng sở hữu tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên sẽ có lợi thế lớn.

Trong khi đó, tiêu chí tổng vốn chủ sở hữu chiếm trọng số 25%, chất lượng tín dụng 10% và kết quả hoạt động kinh doanh chiếm 10% tổng điểm cuối cùng.

Kho bạc Nhà nước “chấm điểm” các ngân hàng như thế nào? - Ảnh 2.

Lưu ý rằng, số liệu sử dụng để đánh giá các ngân hàng là số liệu tại báo cáo tài chính riêng năm trước liền kề đã được kiểm toán.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đạt tổng điểm đánh giá từ 90 điểm trở lên sẽ được chọn vào danh sách các thành viên dự kiến được nhận tiền gửi ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi có kỳ hạn.

Điều đáng nói, với tiêu chí quy mô tổng tài sản chiếm tới 55% tổng điểm, và thang điểm cao nhất áp dụng cho quy mô lên tới 1 triệu tỷ đồng, thì chỉ cần ngân hàng nào có tổng tài sản dưới 800 nghìn tỷ đồng đã khó có “vé vào cửa”, dù các tiêu chí còn lại đều đạt 100 điểm.

Kho bạc Nhà nước “chấm điểm” các ngân hàng như thế nào? - Ảnh 3.

Tổng điểm được BizLIVE tính toán dựa trên số liệu được lấy tại báo cáo tài chính riêng năm 2018 của các ngân hàng.

Theo đó, với bộ tiêu chí này, nhóm “big 4” ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank sẽ là vẫn là những “tay chơi” chính trong cuộc đua giành nguồn tiền gửi hấp dẫn này.


Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, do còn hạn chế ở các tiêu chí tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, có lẽ sẽ cần thêm một khoảng thời gian khá dài nữa mới có thể nhập cuộc chơi của các “ông lớn”.

Theo Trần Thúy

BizLive

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo cafef.vn