Theo đó, thành phố giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, nghiên cứu trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, các đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 3.344,6km2. Bao gồm: 1 đô thị trung tâm thành phố Hà Nội và 5 đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc; 3 đô thị sinh thái: Thị trấn Quốc Oai, thị trấn Phúc Thọ, thị trấn Chúc Sơn; 11 thị trấn huyện lỵ của các huyện.
Mục tiêu của đề cương nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; các chương trình, kế hoạch của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội về phát triển Thủ đô (đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050).
Tạo công cụ quản lý và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn Hà Nội, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh tại mỗi vùng lãnh thổ, gắn với các quy hoạch ngành, lĩnh vực; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực đô thị phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia, khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương cho từng giai đoạn 5 năm.
Đồng thời, đề xuất các chương trình, kế hoạch cụ thể (tương thích với tiềm năng và nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm và sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng) bảo đảm đồng bộ về hạ tầng đô thị, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới; xác định lộ trình, các bước tiến hành xây dựng đô thị bảo đảm tính khả thi và phát triển bền vững; thống nhất các số liệu liên quan đến đô thị hóa, chủ trương, lộ trình thực hiện một số đề án đầu tư, đề án xây dựng huyện lên quận của 5 địa bàn: Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng.
Tiền Phong