Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích hơn 6.000 ha. Dù ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích cây mít nhất là vùng ngoài quy hoạch, vùng ngập lũ chưa có đê bao khép kín nhưng do giá mít đang tăng cao nên người dân vẫn mở rộng diện tích trồng.
Giá mít tăng cao khiến người dân vẫn ồ ạt mở rộng diện tích trồng bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Ngoài các địa phương vùng ngập lũ như Cái Bè, Cai Lậy thì nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, huyện Châu Thành, Thành phố Mỹ Tho… cũng đang lên liếp trồng mít trên đất ruộng; hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít.
Theo người trồng cây mít tại tỉnh Tiền Giang, mấy năm nay, giá mít ở mức cao, dễ trồng, lợi nhuận dẫn đầu so với nhiều loại cây trồng khác. Hiện tại, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg. Mỗi ha đất trồng cây mít, nông dân có nguồn lãi từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Phương, nhà vườn ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có 10 năm trồng 0,5 ha cây mít Thái chia sẻ, cây mít Thái này hiệu quả kinh tế tốt lắm. Giá càng ngày càng tăng cao, giúp kinh tế gia đình ổn định.
“Tôi thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng, trồng càng nhiều năm, cây cho trái càng sai. Tôi không sử dụng phân hóa học mà sử dụng phân hữu cơ nên cây càng tốt, càng bền”, ông Phương cho hay./.