Các ngân hàng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đương đầu với ngày một nhiều rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, theo nhận định được cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đưa ra trong báo cáo công bố gần đây.
Ngành ngân hàng Australia và New Zealand đối diện với rủi ro lớn nhất từ lĩnh vực bất động sản, trong khi đó ngành ngân hàng tại Sri Lanka và Mông Cổ không có nhiều khả năng tự bảo vệ từ rủi ro thua lỗ.
Fitch tin rằng giám sát về thể chế cũng như chính sách vĩ mô thận trọng sẽ giúp kiềm chế tác động trực tiếp từ sự suy giảm của ngành bất động sản lên các ngân hàng, đặc biệt tại các thị trường phát triển nơi mà các quy định ngăn ngừa thiệt hại tài chính chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế điều chỉnh có thể khiến cho tình trạng vay nợ tệ hơn.
Nợ các hộ gia đình tăng cao làm tăng rủi ro cho các ngân hàng bởi tình trạng tín dụng của người vay tiền dễ chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, ngoài ra việc lệ thuộc vào ngành bất động sản khiến cho các ngân hàng dễ chịu tác động từ việc kinh tế suy giảm.
Các nhà quản lý tại nền kinh tế phát triển đã đưa ra nhiều chính sách vĩ mô thận trọng nhằm ngăn ngừa rủi ro trong lĩnh vực bất động sản và củng cố cho ngành ngân hàng nhằm ứng phó với rủi ro từ lĩnh vực bất động sản.
Fitch tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn tập trung vào những biện pháp giúp củng cố cho sự ổn định và ngăn ngừa rủi ro thị trường bất động sản tăng trưởng nóng dù rằng gần đây giới chức Australia, New Zealand và Đài Loan cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Fitch cho rằng Hồng Kông Singapore và Hàn Quốc sẽ vẫn giữ quan điểm thắt chặt trong chính sách.
Nhìn chung, ngành ngân hàng của các nền kinh tế phát triển khu vực châu Á có nhiều mối liên quan đến lĩnh vực bất động sản và nợ tiêu dùng cao hơn các nước mới nổi. Australia và New Zealand là hai trường hợp nổi bật nhất, tỷ lệ nợ tiêu dùng/GDP ở mức 129% và 94%.
Tuy nhiên ngành ngân hàng các nước phát triển có nhiều kinh nghiệm quản lý các chu trình phát triển của ngành bất động sản cũng như tiềm lực tài chính tốt hơn, và các tiếp cận chính sách của nhà quản lý giúp ngăn được sự suy giảm sâu của thị trường.
Tại nhóm các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ liên quan của các ngân hàng đến ngành bất động sản thường thấp hơn, thế nhưng rủi ro đang tăng cao hơn bởi những năm gần đây các ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản bởi chính phủ nhiều nước dựa vào ngành bất động sản nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng.
Tăng trưởng tín dụng nhanh thường che giấu cho nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản, rủi ro từ lĩnh vực bất động sản tăng lên khiến cho các ngân hàng dễ chịu tác động từ sự đi xuống của lĩnh vực bất động sản, đặc biệt tại một số nước như Mông Cổ hay Sri Lanka.
Các ngân hàng Việt Nam dường như dễ chịu tác động trong bối cảnh tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh và nhiều vấn đề nợ xấu còn tồn tại từ trước đó và tiềm lực tài chính còn hạn chế. Tuy nhiên, sự đi xuống của ngành bất động sản khó xảy ra bởi triển vọng kinh tế Việt Nam sáng sủa.
Tại Trung Quốc, trong thập kỷ qua, các ngân hàng đã cho vay ngày một nhiều trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên tỷ lệ nợ không quá cao. Tỷ lệ nợ tiêu dùng/GDP đã tăng lên mức 53% ở thời điểm cuối năm 2018 từ mức 30% vào cuối tháng 3/2019.
Rủi ro của ngành bất động sản Trung Quốc nhiều khả năng đã được kiềm chế bởi chính sách vĩ mô thận trọng cũng như nhiều biện pháp kiềm chế khác, tuy nhiên giới chức Trung Quốc thường xuyên can thiệp nhằm giữ vững sự ổn đinh của lĩnh vực bất động sản. Dù vậy, nợ tiêu dùng của các hộ gia đình tăng cao đã khiến cho tiêu dùng nội địa và ngành tài chính đối diện với thêm nhiều thách thức.
BizLive