Phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh. Một trong những yếu tố thúc đẩy có ở kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tuần tới.
Kỳ vọng đó được “đo lường” ở kết quả thăm dò do Bloomberg thực hiện: có tới 85% các nhà kinh tế dự đoán Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 1,75 - 2% xuống còn 1,5 - 1,75% vào ngày 30/10, tức vào cuối tuần tới.
Trước đó, trong tháng 7 và 9/2019, Fed đã hai lần hạ lãi suất. Và kỳ vọng ở khả năng có lần thứ ba trong năm nay vẫn là do tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, cùng với những bất ổn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài và lạm phát dưới mục tiêu tại Mỹ…
Trước cuộc họp của Fed vào tuần tới, giới lãnh đạo tài chính toàn cầu cũng vừa ngồi lại, bao gồm các bộ trưởng tài chính và quan chức ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Thông điệp đưa ra từ cuộc họp này là “sử dụng mọi công cụ phù hợp” để chống lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém nhất trong thập kỷ tới.
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mối đe dọa từ các cuộc chiến thương mại là điểm thảo luận chính của các quan chức tài chính tại cuộc họp trên. Và IMF dự kiến thuế quan đã được áp hoặc đã được cảnh báo có thể “gọt” 0,8% tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào cuối năm tới.
Phán quyết về lãi suất Fed đưa ra vào cuối tuần tới đặt trong bối cảnh chung như vậy, cũng như trên cơ sở các yếu tố nội tại kinh tế Mỹ.
Các dấu mốc quyết định lãi suất của Fed những năm gần đây.
Thế nhưng, như hai lần giảm hồi tháng 7 và 9/2019, có một yếu tố song hành được giới phân tích nhìn đến: có sức ép của Chính phủ Mỹ đối với quyết định của Fed, hạ lãi suất nhằm giảm tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Thực tế, suốt từ đầu năm cho đến phiên họp gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đều đặn và liên tục có những dòng tweet tấn công chính sách lãi suất của Fed. Từ tấn công không để trong dấu ngoặc kép, đúng như tính chất mà ông Trump nói về cơ quan điều hành chính sách này hoặc về ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed.
Những dòng trạng thái của Tổng thống Mỹ đương nhiệm được chú ý, có ảnh hưởng trên thị trường nói chung. Thậm chí hơn một tháng trước, J.P. Morgan Chase đã thiết lập cả chỉ số “Volfefe Index”, dùng để… đo lường mức độ ảnh hưởng các dòng tweet của ông Trump với thị trường.
Khi ra mắt chỉ số trên, J.P. Morgan còn nhấn mạnh đến một đặc điểm: phần lớn dòng tweet của Tổng thống Trump nhắm vào Fed.
Và rất có thể, một lần nữa, thị trường chờ đợi liệu có những cú tweet mới của ông Trump nhắm vào Fed trước thềm cuộc họp với quyết định về lãi suất vào cuối tuần tới hay không.
Ở một góc nhìn khác, khi trả lời về những cú tweet từ ông Trump tấn công Chủ tịch Fed, bà Christine Lagarde - tân Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên mục “60 phút” của CBS nhấn mạnh rằng, ngân hàng trung ương cần phải độc lập để thực hiện tốt công việc của mình.
“Sự ổn định của thị trường không phải là chủ đề của bài đăng trên trang Twitter. Sự ổn định của thị trường đòi hỏi sự cân nhắc, tư duy, và những quyết định thận trọng điềm đạm và có lý trí”, bà Christine Lagarde nói.
Còn với thị trường, bao gồm cả Việt Nam, như hai quyết định hồi tháng 7 và 9 vừa qua, nếu có lần thứ ba Fed hạ lãi suất trong tuần tới, tác động và phản ứng đầu tiên sẽ được nhìn đến ở diễn biến trên thị trường chứng khoán, biến động của đồng USD cùng các cặp tỷ giá.
Và nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất, thì như trên, một phần kỳ vọng của thị trường cũng đã được phản ánh trước.