Một người dùng đăng nhập vào nền tảng phát trực tuyến video iQiyi của Trung Quốc sẽ được chào đón với vô số video và phim quen thuộc với bất kỳ người xem Netflix hay Youtube nào. Tuy nhiên, một điểm quan trọng khiến iQiyi khác biệt với các đối tác phương Tây là: Trong khi xem chương trình yêu thích, người dùng có thể nhấp vào liên kết để mua một số trang phục, sản phẩm và quần áo trên màn hình. Tính năng này cho phép ứng dụng tiếp cận người tiêu dùng trực tuyến và xem hơn 600 triệu giờ nội dung mỗi tháng.
Không chỉ khác biệt, iQiyi đại diện cho làn sóng mới các doanh nghiệp Trung Quốc đang pha trộn nhiều hình thức truyền thông xã hội, giải trí và thương mại để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn và giành lấy một phần của thị trường TMĐT Trung Quốc với doanh thu hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2018. Trong khi thị trường trực tuyến của Trung Quốc với cạnh tranh khốc liệt và môi trường kinh tế đang buộc các công ty chuyển đổi nhanh hơn so với các đối tác phương Tây.
Ví dụ, Pinduoduo đang pha trộn việc mua sắm trực tuyến với các yếu tố của phương tiện truyền thông xã hội. Thông qua việc tích hợp với các mạng truyền thông xã hội như WeChat và QQ, Pinduoduo cho phép người tiêu dùng cùng với nhau để thành lập một nhóm mua sắm trên mạng và mua các mặt hàng giảm giá. Do đó, việc mua theo nhóm trên ứng dụng Pinduoduo có thể giúp người tiêu dùng Trung Quốc tiết kiệm tới 90% so với giá gốc, tạo ra những ưu đãi hấp dẫn để bạn bè khuyến khích nhau để mua những món hàng hóa giá cao.
Xiaohongshu là một trang web thương mại điện tử khác kết hợp các khía cạnh phổ biến của mua sắm trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội để thu hút người thành thị Trung Quốc. Chuyên về mảng làm đẹp và thời trang, Xiaohongshu cho phép người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà còn đăng tải hình ảnh, video và bình luận về sản phẩm, giúp người mua tiềm năng hiểu rõ hơn về những gì mình mua. Dù các trang web truyền thống như Taobao có thể mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn, nhưng khía cạnh xã hội và độ cá nhân hóa của Xiaohongshu đã khiến nền tảng này trở nên phổ biến với người dùng và thu về cho công ty hơn 300 triệu USD vòng gọi vốn Series D năm 2018.
Sóng gió thương chiến
Chiến tranh thương mại kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những đợt "lên voi xuống chó" trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, mới đây đã có những dấu hiệu cho thấy sự không chắc chắn của thị trường đang tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc cũng như người tiêu dùng nước này. Trong khi người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tăng bất chấp kinh tế khó khăn, thì thu nhập giảm, thị trường bất động sản ảm đạm và gánh nặng nợ nần lại làm giảm niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng. Chính những xu hướng tiêu cực này, buộc các ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc phải đánh giá lại chiến lược của họ.
Cho đến nay, Alibaba đã phá vỡ kỷ lục doanh số của chính mình với sự kiện Ngày Độc thân hàng năm sau khi lượng hàng hóa trị giá hơn 30 tỷ USD được bán ra chỉ trong thời gian 24 giờ. Bất chấp ngày lập kỷ lục này, Alibaba đã buộc phải giảm dự báo doanh thu năm 2019 vào cuối năm ngoái, với lý do thay đổi điều kiện kinh tế vĩ mô.
Còn JD.com thì phải đối mặt với những cơn bão khó khăn hơn. Công ty đã chịu đựng một năm 2018 đầy giông tố với việc Giám đốc điều hành Richard Liu phải chịu các cáo buộc khác nhau về hành vi hiếp dâm và xâm hại tình dục. Tận tháng 12, các công tố viên Hoa Kỳ cuối cùng đã từ chối buộc tội mới giúp cổ phiếu và tinh thần của công ty bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, vào tháng Tư năm nay, các báo cáo đã xuất hiện chỉ ra rằng việc tiếp tục thua lỗ và sai lầm trong quản lý nội bộ đang khiến JD.com phải cắt giảm lương cũng như lao động. Đi theo xu hướng đáng lo ngại của nền kinh tế nói chung, JD.com phải đối mặt với một thử thách khó khăn để phục hồi động lực đã mất.
Các điều chỉnh của Alibaba và các vấn đề nội bộ của JD.com cho thấy rằng thậm chí các công ty lớn nhất cũng không tránh khỏi sự mơ hồ của thị trường chứng khoán, hay rộng hơn là suy giảm kinh tế. Nhưng rất ít nhà đầu tư dự đoán rằng hai đầu tàu TMĐT này sẽ suy thoái trong tương lai gần. Tuy nhiên, đối với những tay chơi TMĐT nhỏ hơn thì tiền cược của "trò chơi" sẽ cao hơn, suy thoái kinh tế hoặc gánh nặng phải thay đổi có thể ảnh hưởng đáng kể đến tương lai của họ.
Hoàn toàn có thể tự tin
Được ban hành vào ngày 1/1/2019, Luật thương mại điện tử của Trung Quốc về việc đăng ký và vận hành các nền tảng TMĐT yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép thích hợp trước khi kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, luật đưa ra sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các nhà khai thác TMĐT và tìm cách cắt giảm quảng cáo sai, trốn thuế, cũng như tìm kiếm các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu và thông tin người tiêu dùng lớn hơn.
Theo đánh giá từ các chuyên gia thì những ông lớn như Alibaba sẽ có thể tuân thủ những luật này và chi trả các chi phí liên quan. Tuy nhiên quy định mới sẽ gây ảnh hưởng những đối thủ vừa và nhỏ, họ khó có thể đáp ứng về gánh nặng thuế bổ sung và các yêu cầu liên quan đến Pháp lý. Đối với người tiêu dùng, họ khó có thể nhận thấy sự thay đổi. Tuy nhiên, theo thời gian, họ có thể nhận thấy rằng có ít người bán và hàng sẵn hơn, nhưng điều này sẽ khiến hàng giả, hàng nhái bị xóa khỏi nền tảng.
Đối với người tiêu dùng, thay đổi của thị trường Trung Quốc có thể mang lại nhiều lợi ích, cho phép họ truy cập vào nhiều nền tảng hơn, giảm giá lớn hơn và hàng hóa chất lượng cao hơn. Đối với các nền tảng TMĐT, các quy tắc mới đã buộc họ phải thử nghiệm, cải tiến hoặc bị bỏ lại phía sau.
Hiện tại, thế hệ Z của Trung Quốc, những người sinh từ năm 1995 đến 2015, chiếm khoảng 13% tổng chi tiêu của hộ gia đình Trung Quốc. Khi những doanh nghiệp mới khám phá cách tích hợp phương tiện truyền thông xã hội, tăng cường ứng dụng thực tế và mua hàng trực tuyến theo thời gian thực, các nền tảng độc đáo được kỳ vọng sẽ xuất hiện và thu hút ánh mắt, đôi tai và chiếc ví của những người mua sắm trẻ tuổi ở Trung Quốc. Cạnh tranh khốc liệt cuối cùng sẽ quyết định người thắng và người thua giữa các nền tảng lớn và nhỏ, nhưng người tiêu dùng Trung Quốc chính là người chiến thắng lớn nhất.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/CBR