Dự án tỉnh lộ 107 – nay là tỉnh lộ 134 từ đỉnh đèo Khau Riềng, xã Pắc Ta đến bản Pá Ngừa, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu có tổng chiều dài hơn 40 km, thi công trong 3 năm từ 2010 đến 2012, tổng mức đầu tư là 839 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước.
Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án bồi thường di dân tái định cư tỉnh Lai Châu (Sau đó chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh). Công trình này được đầu tư với mục tiêu nối liền đường tỉnh 107 của tỉnh Sơn La với Quốc lộ 32 (tỉnh Lai Châu), rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm hai tỉnh Sơn La - Lai Châu; phục vụ cho công tác di dân tái định cư thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng phát triển.
Thế nhưng, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này được đánh giá là " con đường chết". Vì chỉ có khoảng 20 lượt người qua lại mỗi ngày, ô tô gần như không có. Dọc tuyến đường chạy qua chỉ có 5 - 6 lán nương, không có bản, bên là đồi trọc lau lách, bên là vực sâu.
Đặc biệt, lượng khách qua phà Khau Giường - một trong những hạng mục của dự án gần nghìn tỷ này, mỗi chuyến chỉ có 5 - 6 người, không có hàng hóa, nhiều chuyến phà không có ai qua. Doanh thu trung bình một ngày là 70.000 đồng, trong khi kết quả thẩm định dự toán thu của ngành chức năng là 375 triệu đồng mỗi năm, kinh phí đề nghị cấp bù hơn 1 tỷ đồng.
Phục vụ thi công tuyến đường, chủ đầu tư đã phải bạt đồi, xẻ hàng nghìn héc ta rừng phòng hộ.
Do địa hình đồi núi dốc, nên đa phần ta tuy dương có độ dốc nghiêng từ 11% đến 12%.
Đây từng được coi là "con đường cụt" khi bị chia cắt với lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát trong suốt một thời gian dài sau khi đưa vào sử dụng.
Dù là mùa khô, hiện mỗi ngày chỉ có khoảng 20 lượt phương tiện là xe máy qua lại tuyến này.
Lác đác dọc đường chỉ có một vài lán nương, do người dân từ nhiều địa phương trên địa bàn chuyển về dựng tạm làm nơi trú ngụ để sản xuất.
Trâu, bò lang thang trên đường là hình ảnh bắt gặp nhiều nhất khi qua tuyến đường này.
Tuyến đường 134 bị chia cắt bởi lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát.
Theo kết quả thẩm định số 288 của Sở Giao thông vận tải Lai Châu, bình quân mỗi năm có khoảng 20.800 người và phương tiện nhỏ qua lại. Song thực tế thì chỉ có 15 đến 20 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.
Theo ông Sìn Văn Nghìn, người dân làm ăn tại bến phà cho biết: Từ cầu cứng vào bến phà không có bản nào, chỉ có một số dân của ban Là Sẳng, xã Trung Đồng, một số dân của xã Pắc Ta (Tân Uyên) đến tạm trú để nuôi gia súc, nhưng năm nay họ cũng đã chuyển đi gần hết.
8 tháng đầu năm 2018, nguồn thu vận hành phà mới chỉ đạt hơn 20 triệu đồng, trong khi đó dự toán chi cho quản lý, vận hành bến phà mỗi năm tiêu tốn gần 400 triệu đồng, riêng trả lương cho 8 công nhân và lái phà hàng tháng khoảng 50 triệu đồng.
Ông Mai Khắc Phượng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, để quản lý, vận hành tuyến đường này, mỗi năm nhà nước phải bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, dự toán chi phí vận hành mỗi năm cho công tác quản lý, vận hành và khai thác phà mất gần 1,5 tỷ đồng.
Ông Lò Văn Hoan, một người tham gia giao thông qua đây cho biết, đi từ Lai Châu về Sơn La qua tuyến đường này có ngắn hơn so với tuyến quốc lộ 279, nhưng lại chậm hơn do phải chờ phà và đường đi cũng xấu hơn. Thỉnh thoảng vào mùa khô mới qua đây, còn chủ yếu ông đi thẳng trên Quốc lộ 32 về Than Uyên rồi rẽ về Quỳnh Nhai theo Quốc lộ 279.
Tuyến đường tỉnh lộ 107, nay là tỉnh lộ 134 là công trình có tổng vốn đầu tư "khủng" tại tỉnh nghèo Lai Châu. Tuy nhiên, với những bất cập hiện tại, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đây vẫn được coi là "con đường chết" lãng phí nhất tại địa phương đến thời điểm này. Mục tiêu, chủ trương, quyết định đầu tư ra sao, ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí, thiếu hiệu quả của dự án này?.
VOV