Bất ngờ phát hiện hóa thạch tiết lộ loài chim lội nước mới

18/11/2020 11:29

Các nhà sinh vật học phát hiện một loài chim đã tuyệt chủng cách đây nhiều thế kỷ thông qua mẫu vật hóa thạch trên đảo Henderson.

Theo báo cáo trên Tạp chí Động vật học của Hiệp hội Linnean vào tuần trước, sinh vật có tên Prosobonia sauli mới là thành viên thứ năm được biết đến trong chi Prosobonia - bao gồm các loài chim lội nước thuộc họ Dẽ bị giới hạn phạm vi sống trên quần đảo Polynesia xa xôi ở Thái Bình Dương.

Mô phỏng loài chim lội nước Prosobonia sauli


Mô phỏng loài chim lội nước Prosobonia sauli. (Ảnh: George Edward Lodge).

Ngoại trừ Prosobonia parvirostris, cả bốn loài Prosobonia còn lại đều không còn tồn tại trên Trái Đất. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Vanesa De Pietri, Giám đốc Nghiên cứu tại Bảo tàng Canterbury của New Zealand, Prosobonia sauli có thể đã tuyệt chủng ngay sau khi con người đặt chân lên hòn đảo Henderson, điều mà các nhà khảo cổ học ước tính không xảy ra sớm hơn thế kỷ 11.

"Con người có thể đã mang theo những con chuột lắt Polynesia lên đảo Henderson. Đây là một loài xâm lấn và ăn tạp (ăn cả trứng và chim non), khiến quần thể P. sauli suy giảm nhanh chóng", De Pietri giải thích.

So với loài P. parvirostris còn sống ngày nay, P. sauli có chân dài hơn và mỏ thẳng hơn. Sự khác biệt này có thể là một đặc điểm tiến hóa giúp chúng thích nghi với môi trường sống trên đảo Henderson.

P. parvirostris là loài chim duy nhất còn tồn tại trong chi Prosobonia. (

P. parvirostris là loài chim duy nhất còn tồn tại trong chi Prosobonia. (Ảnh: Geoff Jones).

Henderson là hòn đảo lớn nhất trong nhóm đảo Pitcairn ở phía nam Thái Bình Dương. Nó trở thành đảo hoang từ thế kỷ 15 và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1988.

"Hòn đảo này thực sự đáng chú ý vì có nhiều loài chim đất đặc hữu không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Từng có ít nhất 5 loài Prosobonia sống ở đây nhưng hiện chỉ còn một loài tồn tại và số lượng của nó cũng đã giảm", De Pietri nhấn mạnh.

Bên cạnh De Pietri, công trình nghiên cứu này còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế đến từ Australia, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan và Trung Quốc, với sự tài trợ từ Quỹ Marsden và Quỹ RS Allan do Hiệp hội Hoàng gia Te Apārangi và Bảo tàng Canterbury quản lý.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Hà Vy
Theo https://khoahoc.tv/bat-ngo-phat-hien-hoa-thach-tiet-lo-loai-chim-loi-nuoc-moi-1094730