4 phương pháp cải thiện chức năng bàn tay

26/11/2024 15:10

Đối với mỗi tình trạng bệnh và từng triệu chứng khác nhau, bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại phương pháp phục hồi chức năng khác nhau cho bàn tay. 4 phương pháp phục hồi chức năng bàn tay phổ biến nhất bao gồm vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu và sử dụng nẹp hỗ trợ. Những phương pháp này không chỉ giúp cải thiện chức năng vận động mà còn hỗ trợ người bệnh sớm trở lại cuộc sống thường ngày.

1. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp giảm đau, tăng cường lưu thông máu, giảm sưng viêm và kích thích hệ thần kinh vận động. Một số liệu pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng trong phục hồi chức năng bàn tay có thể kể đến như:

- Điện trị liệu: Thông qua dòng điện tần số thấp hoặc trung bình, các cơ bắp và khớp tay sẽ được kích thích, từ đó làm giảm cảm giác đau và tăng cường sự linh hoạt. Điện trị liệu đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp bàn tay bị cứng hoặc mất cảm giác do chấn thương hoặc bệnh lý như viêm khớp.

- Siêu âm trị liệu: Các làn sóng cơ học sẽ được truyền sâu vào trong mô mềm, giúp tăng tuần hoàn máu, giảm đau, viêm và cải thiện độ linh hoạt của bàn tay, có tác dụng cực tốt với những bệnh nhân có bàn tay bị căng cứng.

- Nhiệt trị liệu (hồng ngoại, parafin,...): Giúp làm thư giãn cơ bắp, giảm co cứng và tăng độ dẻo dai của các khớp, đặc biệt có hiệu quả với các trường hợp bàn tay căng cứng, cơ tay co thắt do viêm, giúp giãn cơ và giảm đau.

Chi phí vật lý trị liệu của mỗi phương pháp là khác nhau, do đó, người bệnh và gia đình cần cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe, khả năng tài chính và dựa trên tư vấn của bác sĩ.

Vật lý trị liệu là phương pháp trị liệu thông qua cách tiếp cận vật lý giúp kích thích vận động cho bàn tay

2. Vận động trị liệu

Vận động trị liệu là một phần không thể thiếu trong tập phục hồi chức năng bàn tay, tập trung vào việc cải thiện khả năng hoạt động và phối hợp bàn tay của bệnh nhân thông qua các bài tập có kế hoạch. Có 2 hình thức vận động trị liệu phổ biến cho bàn tay bao gồm:

1 - Vận động trị liệu cưỡng bức (CIMT): Liệu pháp này dành cho những bệnh nhân bị tổn thương một bên tay, có xu hướng phụ thuộc vào tay lành. Trong liệu pháp này, tay lành sẽ được cố định bằng nẹp hoặc dụng cụ chuyên dùng, buộc người bệnh phải sử dụng tay yếu để thực hiện các hoạt động thường ngày.

Phương pháp này không chỉ ngăn ngừa tình trạng tay bị thương suy giảm thêm mà còn giúp kích thích thần kinh và cơ bắp, tăng cường khả năng phục hồi. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn từ chuyên gia để đạt hiệu quả tốt nhất.

Liệu pháp vận động trị liệu cưỡng bức giúp bệnh nhân tăng cường tần suất hoạt động và sử dụng tay yếu nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi, tránh việc lạm dụng tay lành

2 - Vận động trị liệu thụ động bằng máy: Trong trường hợp bàn tay không còn khả năng vận động chủ động, các thiết bị hỗ trợ như găng tay thông minh hoặc robot phục hồi sẽ giúp tái tạo chuyển động. Những thiết bị này không chỉ kích thích dây thần kinh mà còn giúp hệ thần kinh làm quen lại với các thao tác cơ bản.

Hình thức vận động thụ động này thường được áp dụng cho bệnh nhân gặp chấn thương nặng, chẳng hạn như liệt cơ hoặc tổn thương thần kinh nghiêm trọng.

Vận động trị liệu bàn tay bằng máy là phương pháp dành cho các bệnh nhân bị tổn thương nặng hệ thần kinh và không thể chủ động vận động

3. Hoạt động trị liệu

Hoạt động trị liệu tập trung vào việc phục hồi khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của bàn tay. Những hành động như cầm nắm, ăn uống, viết lách, sử dụng điện thoại, hoặc thậm chí là lái xe đều được hướng dẫn cụ thể và bài bản để giúp bệnh nhân lấy lại sự tự tin và độc lập.

Việc kết hợp các bài tập chức năng với các thiết bị hỗ trợ (nếu cần) sẽ tối ưu hóa quá trình phục hồi, không chỉ cải thiện khả năng vận động, hoạt động trị liệu còn mang đến những lợi ích về tâm lý, giúp giảm căng thẳng, lo âu và tăng cường sự tự tin cho bệnh nhân.

Tập hoạt động trị liệu giúp bệnh nhân có khả năng tự sinh hoạt ngay cả khi chưa hoàn toàn phục hồi, giúp bệnh nhân tự chủ hơn trong cuộc sống

4. Nẹp hỗ trợ

Đối với các trường hợp chấn thương như gãy xương, trật khớp, việc sử dụng nẹp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc cố định bàn tay, bảo vệ khu vực bị tổn thương khỏi tác động bên ngoài. Nẹp giúp duy trì vị trí chính xác của xương và khớp trong quá trình lành, ngăn ngừa các biến chứng như di lệch hoặc tổn thương thêm.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng nẹp chỉ được dùng khi không có vết thương hở để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về thời gian đeo nẹp để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi.

Nẹp hỗ trợ giúp cố định bàn tay, tránh vận động quá tầm hoặc quá sức trong giai đoạn vết thương chưa lành

Trên đây là 4 phương pháp cải thiện chức năng bàn tay phổ biến được áp dụng cho nhiều trường hợp tay yếu do chấn thương hoặc bệnh lý. Mỗi phương pháp - từ vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu đến nẹp hỗ trợ - đều có những ưu điểm riêng, phù hợp với từng tình trạng cụ thể. Để quá trình phục hồi đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần có sự kiên trì, quyết tâm và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề về chức năng bàn tay, hãy tìm đến các trung tâm phục hồi chức năng uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời. Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA là một lựa chọn đáng tin cậy, nơi áp dụng các phương pháp tiêu chuẩn Nhật Bản cùng đội ngũ chuyên gia tận tâm.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Minh Ngọc