Chưa xong thủ tục chấp thuận đầu tư dự án
Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được xem là có vị trí “vàng” giữa lòng TP.HCM, nhưng cũng nổi tiếng với dự án “treo gần nửa đời người” là Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Tại đây, không chỉ cụm chung cư lô chữ bị tê liệt tới 9 năm như Báo Đầu tư số 113, ra ngày 20/9/2019 đã phản ánh, mà cụm 8 chung cư lô số cũng ở cảnh tương tự.
Năm 2015, UBND quận Bình Thạnh đã thông báo mời gọi đấu thầu dự án Xây dựng cụm 8 chung cư Thanh Đa, nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia là liên danh gồm 5 công ty. Tháng 9/2015, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất về lựa chọn chủ đầu tư của UBND quận Bình Thạnh. Đến tháng 5/2016, Tổ chuyên gia họp, đánh giá kết quả mời gọi đầu tư, báo cáo và được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương cho liên danh lập pháp nhân mới để thực hiện Dự án.
Sau đó, liên danh đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa, nộp hồ sơ đề nghị công nhận chủ đầu tư. Song tháng 11/2017, Tổ chuyên gia mới họp lại để thẩm định hồ sơ, thống nhất chủ trương báo cáo và được UBND TP.HCM xem xét công nhận Công ty cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa làm chủ đầu tư Dự án.
Nhưng dự án tiếp tục giậm chân tại chỗ, tới tháng 4/2019 vẫn chưa hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư để triển khai. Theo đề xuất của Sở Xây dựng, UBND TP.HCM ra công văn chấp thuận cho Công ty cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án, với điều kiện “phải hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án trước ngày 31/12/2019, nếu không sẽ thu hồi chủ trương thực hiện dự án”.
Cách thời hạn trên hơn 1 tháng, Sở Xây dựng lại có văn bản đề nghị lùi thêm một năm, tức tới tháng 12/2020, để chủ đầu tư làm xong thủ tục chấp thuận đầu tư dự án.
Lỗi tại… khách quan?
Theo Sở Xây dựng, việc đề nghị chủ đầu tư hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án trước ngày 31/12/2019 của UBND TP.HCM chỉ nhằm yêu cầu chủ đầu tư tập trung hoàn chỉnh thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Còn pháp luật hiện nay không có quy định về hiệu lực của văn bản công nhận chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cho hay, sau khi được công nhận chủ đầu tư, Công ty cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa đã phối hợp với UBND quận Bình Thạnh thống kê, rà soát thông tin các hộ dân để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tạm cư, tái định cư; đã nộp vào tài khoản của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh để hoàn trả chi phí bồi thường lô số IV và VI, với số tiền trên 122 tỷ đồng.
Chủ đầu tư cũng đã lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, nên chưa thể lập thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định. Nguyên nhân là trước đây, UBND quận Bình Thạnh thông báo kêu gọi đầu tư theo các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án khác, với nội dung đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Do đó, phải phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu để đảm bảo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000. Ngày 21/10/2019, UBND TP.HCM mới ban hành quyết định về phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Từ cơ sở trên, Sở Xây dựng cho rằng, tiến độ dự án chậm là do khách quan và việc hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án trước ngày 31/12/2019 như “lệnh” của UBND TP.HCM là khó khả thi.
1.278 hộ dân sống tại chung cư xuống cấp
Cư xá Thanh Đa được xây dựng trước năm 1975, nên đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân sống tại đây, buộc UBND TP.HCM ra chủ trương đầu tư xây mới. Dự án xây dựng cụm 8 lô số Thanh Đa có 1.577 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó lô IV và lô VI đã di dời dân xong. Tại 6 lô chung cư còn lại, có 1.278 hộ sinh sống, trong đó 956 hộ có nhà sở hữu tư nhân và 322 hộ có nhà sở hữu nhà nước.
|