Ảnh minh họa nguồn internet
Bánh cuốn Thanh Trì là bánh chay. Trong Hà Nội băm sáu phố phường, nhà văn Thạch Lam viết: “Bánh cuốn Thanh Trì là quà chính tông của người Hà Nội. Lá bánh mỏng như tờ giấy, trong như lụa, dẻo và thơm, ăn với chả lợn béo hay đậu rán nóng”. Nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Miếng ngon Hà Nội kể rằng, ông đã đi nhiều chợ quê, ăn thử nhiều loại bánh cuốn nhưng hoặc là bánh được tráng dày, hoặc là bột xay nồng... và điều đó càng làm ông nhớ bánh cuốn Thanh Trì. Theo Vũ Bằng, bánh cuốn Thanh Trì tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm thì thanh nhẹ, mát rượi, “chưa đến môi đã trôi xuống cổ”.
Tuy nhiên, cả Thạch Lam và Vũ Bằng chỉ nói về cái ngon mà quên một chi tiết thuộc về kỹ thuật, vô cùng quan trọng, là hành lá thái nhỏ trên mặt lá bánh, giúp các lá bánh không dính vào nhau. Để bánh ngon thì vào xế chiều người dân Thanh Trì mới nổi lửa tráng bánh. Bánh tráng từ chiều để qua đêm sẽ bay hết mùi nồng của bột. Đến sáng, bánh vừa mềm vừa thơm mùi gạo...
Dù lá bánh cuốn mỏng, dai nhưng nếu nước chấm không ngon thì cái ngon mất đi một nửa. Nguyên liệu pha nước chấm bao gồm nước, dấm, đường, nước mắm, hạt tiêu, ớt, nhưng tỷ lệ giữa các nguyên liệu là bí quyết của người bán. Cũng theo Vũ Bằng, nhiều thực khách chuyên chú về nước chấm rồi mới xem đến bánh có mỏng và óng mướt không. Nước chấm bánh cuốn đặc biệt ngon khi có thêm mấy giọt tinh dầu cà cuống. Xưa, người Hà Nội thường ăn bánh cuốn với đậu làng Mơ rán giòn hoặc giò lụa của làng Văn Điển, thứ giò nổi tiếng được dân làng bánh giầy Quán Gánh chọn bán kèm với bánh. Lại thêm vài nhánh rau mùi hay cọng húng Láng khiến món quà thêm đậm đà.
Theo thời gian, lá bánh vẫn vậy, nước chấm vẫn thế nhưng thức quà này có chút thay đổi. Nhiều người bán cho thêm hành khô phi sẵn vào nước chấm, thay rau thơm, rau mùi bằng rau kinh giới. Sự thay đổi này làm những người đã quen kiểu cũ không hài lòng, tuy nhiên nó cũng không làm mất đi sự ngon thanh của món quà bình dân.