Người Dao áo dài xã Yên Thuận (Hàm Yên) mặc trang phục truyền thống.
Công đoạn cầu kỳ nhất là thêu khăn đội đầu, đây là điểm nhấn trên bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao áo dài. Khăn đội đầu là một tấm vải chàm đen có can một bản vải đỏ rộng khoảng 5-6cm để khi đội lên, viền đỏ của khăn lộ ra hai bên mang tai; phía trên được thêu hoa văn, chủ yếu bằng các sợi chỉ trắng, xanh, đỏ, vàng, đen.
Áo của phụ nữ Dao Áo dài bằng vải chàm đen, dài gần đến mắt cá chân. Áo cổ tròn, cài khuy về bên nách phải. Khuy áo bằng đồng, hình cầu, to gần bằng hạt ngô. Vạt thân áo trước và sau không thẳng mà cong giống như “đuôi tôm”. Nẹp cổ, nẹp hai bên thân trước và sau... đều thêu vài đường chỉ đỏ; cửa tay áo thêu nhiều hơn, đáp thêm vải đỏ hoặc xanh.
Mặc dù áo có cài khuy, nhưng để cho gọn, người ta vẫn dùng dây lưng. Dây lưng bằng vải đỏ, đầu có tua dài.
Quần cùng màu với áo, cắt theo kiểu chân què, cạp lá tọa. Gấu quần thường viền bằng chỉ màu. Xà cạp bằng vải trắng, khâu thành cái ống, một đầu to một đầu nhỏ; đầu nhỏ thêu hai hoặc ba băng nhỏ với các họa tiết đơn giản bằng chỉ đỏ, đen, vàng và trắng.
Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác, người Dao áo dài rất ưa thích bạc. Nó vừa là vật trang trí bắt mắt trên từng bộ trang phục, đồng thời còn là nét sinh hoạt tâm linh của mỗi dân tộc. Đồ trang sức gồm vòng cổ, vòng tay, nhẫn... bằng bạc.
Bộ nam phục của người Dao Áo dài gồm có khăn đội đầu, áo dài và quần, đều màu chàm đen. Khăn đội đầu dài trên 300cm và rộng từ 40-80cm tùy khổ vải. Áo khá dài, thường tới ngang đùi, cổ tròn và cài khuy về bên nách phải. Tà áo giống như tà áo nữ, không trang trí gì, quần kiểu chân què.
Trước kia, để làm ra một bộ trang phục truyền thống của người Dao áo dài phải trải qua rất nhiều công đoạn từ trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm... Tuy nhiên, theo thời gian, với sự phát triển của xã hội nghệ trồng bông, se sợi, dệt vải hiện nay không còn nữa. Những người phụ nữ Dao áo dài thường ra chợ mua vải, mua chỉ nhiều màu về khâu, thêu trang phục cho các thành viên trong gia đình.