Đội tuyển học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam còn giành Cúp Bạc đồng đội và lọt vào Top 5 thành phố xuất sắc nhất trong cuộc thi tốc độ Bliz-contest.
5 Huy chương Vàng thuộc về các thí sinh: Nguyễn Hoàng Nam và Trần Quang Vinh (môn Vật Lý); Nguyễn Duy Anh, Nguyễn Lê Thảo Anh (môn Hóa học) và Đỗ Bách Khoa (môn Toán học). Huy chương Bạc thuộc về thí sinh Nguyễn Đức Anh (môn Toán học). Hai Huy chương Đồng môn Tin học thuộc về thí sinh Nguyễn Gia Bảo và Nguyễn Anh Quân.
Tham dự Kỳ thi, các thí sinh phải trải qua hai vòng thi trong 3 ngày thi chính. Vòng 1 thi tốc độ (Bliz-contest - theo thể thức thi đồng đội) trong 1 ngày. Vòng 2 thi chính thức trong hai ngày, trung bình mỗi ngày thí sinh thi từ 5 - 6 tiếng đồng hồ liên tục.
Tại vòng thi tốc độ, thí sinh phải giải quyết 80 câu hỏi của 4 môn thi trong thời gian 2 tiếng, kết quả được tính độc lập với kết quả hai bài thi lý thuyết và thực hành. Các câu hỏi trong đề thi mang tính hàn lâm và thực tế cao thuộc tầm cỡ thi Olympic quốc tế lớn nhất thế giới.
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, thực hiện sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn, chuẩn bị cơ sở vật chất cho Kỳ thi đáp ứng yêu cầu khắt khe quốc tế về quy chuẩn bài thực hành môn Lý, Hóa, hệ thống camera và phần mềm giám sát kỳ thi, hệ thống máy tính, dụng cụ thí nghiệm...
“Ban Giám hiệu nhà trường rất tự hào về tinh thần thi đấu của học sinh, về tinh thần vượt khó, đoàn kết của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Chính những nỗ lực của tất cả mọi người đã mang lại thành công trong cuộc thi này và hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều thành công hơn nữa”, bà Trần Thùy Dương khẳng định.
Giành Huy chương Vàng môn Hóa học, em Nguyễn Lê Thảo Anh, học sinh lớp 12 Hóa 1, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam xúc động cho biết, đây là cuộc thi quốc tế trực tuyến đầu tiên em tham gia, do đó không khỏi có nhiều bỡ ngỡ. Thảo cho biết thêm, phần thi thực hành trong cuộc thi rất khó, các em chỉ được làm quen với cấu trúc đề thi và giới hạn phần thi thực hành trong một thời gian rất ngắn.
“Được thi tại đất nước mình có nhiều thuận lợi về tâm lý, nhưng việc này đã khiến em tự đặt áp lực cho mình phải thi thật tốt để không phụ lòng của Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, bố mẹ và các bạn trong trường”, em Nguyễn Lê Thảo Anh chia sẻ.
Kỳ thi Olympic Quốc tế IOM là sự kiện thường niên quan trọng được chính quyền thành phố Moscow tổ chức với quy mô thế giới. Kỳ thi dành cho học sinh lứa tuổi từ 14 đến 18 đến từ các thành phố lớn trên thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, với sự tham gia của 22 đội thi đại diện các thành phố thuộc 18 quốc gia.
Đến năm 2019, Kỳ thi Olympic Quốc tế IOM đã mở rộng các đội thi với đại diện 45 thành phố đến từ 32 quốc gia trên thế giới như: Moscow, St. Petersburg, Berlin, Dresden, Frankfurt, Boston, New York, Bắc Kinh, Thượng Hải, Budapest, Helsinki, Jakarta, Madrid...
Năm 2020, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19, Ban Tổ chức Kỳ thi đã quyết định tổ chức theo hình thức kết hợp đa địa điểm với sự hỗ trợ của công nghệ viễn thông. Tham gia kỳ thi, mỗi thành phố cần chuẩn bị điểm thi tại thành phố mình đảm bảo trang bị đầy đủ các thiết bị video giám sát, đường truyền internet ổn định, các thiết bị in và scan bài làm của thí sinh. Các điểm thi phải đảm bảo các quy định về vệ sinh dịch tễ và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.