Page và Brin viết trong một bài đăng trên blog cá nhân về sự thay đổi này: "Giờ đây, khi Alphabet đã đứng vững, Google và Other Bets cũng có hoạt động hiệu quả như các công ty độc lập, thì đó là điều đơn giản và tự nhiên diễn ra trong cấu trúc quản lý của chúng tôi. Chúng tôi chưa từng là những người nắm giữ mãi mãi vai trò điều hành, bởi chúng tôi nghĩ rằng có cách hiệu quả hơn để quản lý công ty. Alphabet và Google không còn cần đến 2 CEO và 1 chủ tịch nữa."
Page trở thành CEO của Alphabet vào năm 2015, khi Google được tái cấu trúc để thành lập công ty mẹ mới nhằm giám sát Other Bets - có hoạt động ngoài công cụ tìm kiếm và mảng kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số. Trước đây, Page cũng từng là giám đốc điều hành của Google. Theo cấu trúc mới, Pichai trở thành CEO của Google sau khi điều hành nhiều hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Trước đây, Pichai đã giữ vị trí lãnh đạo trong bộ phận Android và Chrome tại công ty này.
Bài đăng trên cho biết, cả Page và Brin đều vẫn "tích cực tham gia" vào các hoạt động của hội đồng quản trị Alphabet. Các nhà đồng sáng lập vẫn giữ cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Page hiện nắm giữ khoảng 5,8% cổ phần trong Alphabet, Brin nắm giữ khoảng 5,6%, trong khi đó cổ phần của Pichai chỉ khoảng 0,1%. Điều này cho thấy vị CEO mới có thể gặp khó khăn khi đưa ra quyết định trước những nhà sáng lập của công ty. Google cho biết, cấu trúc biểu quyết của họ không thay đổi sau thông báo này.
Dù có rời khỏi công ty, thì hai nhà đồng sáng lập này vẫn giữ vị trí tỷ phú giàu thứ 6 và thứ 7 thế giới. Page hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 58,9 tỷ USD, trong khi tài sản của Brin là 56,8 tỷ USD.
Khi hoạt động kinh doanh cốt lõi là quảng cáo kỹ thuật số được Google đảm nhiệm có dấu hiệu chậm lại, thì Alphabet có thể cần phát triển mạnh hơn những lĩnh vực khác, như Waymo và Verily. Doanh thu mảng quảng cáo của Google đã sụt giảm trong quý I/2019 và lợi nhuận quý III cũng thấp hơn so với năm trước. Công ty hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc tạo ra doanh thu trong mảng phần cứng, dù hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây đang tăng trưởng.
Page và Pichai chứng khiến 1 vài năm đầy biến động khi các nhân viên của Google bày tỏ sự bất bình với các chính sách của công ty. Năm ngoái, hàng nghìn nhân viên của Google đã tham gia biểu tình để phản đối khoản tiền 90 triệu USD công ty này chi cho "cha đẻ" của Android khi ông này rời đi, bất chấp những cáo buộc lạm dụng tình dục.
Sau vụ bê bối trên, Google đã phải hoãn lại một số dự án. Năm 2018, giám đốc mảng đám mây của Google cho biết công ty này sẽ không gia hạn hợp đồng với Bộ Quốc phòng sau khi hết hạn vào tháng 3/2019. Đề xuất cho quyết định này đã được hàng ngàn nhân viên đệ trình, họ kêu gọi Pichai ngăn không cho Google tham gia "chiến tranh kinh doanh". Các nhân viên của Google cũng yêu cầu công ty rút lui khỏi kế hoạch xây dựng một công cụ tìm kiếm được phép hoạt động ở Trung Quốc, sau khi The Intercept cho biết kế hoạch được gọi là Project Dragonfly.
Mới đây, một nhóm cựu nhân viên của Google có tên "Thanksgiving Four" đã tiết lộ về việc họ bị sa thải ngay trước kỳ nghỉ lễ vì cho rằng nhóm 4 người này đã chống lại quy tắc liên quan đến bảo mật dữ liệu. Nhóm này cho biết sẽ nộp đơn lên Uỷ ban Quan hệ Lao động Quốc gia, cáo buộc đây là hành động không công bằng của Google.
Tham khảo CNBC, NYTimes
Theo Trí thức trẻ