Theo đó, dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến có đề cập đến việc các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền phong tỏa tài khoản người nhận khi phát hiện có nhầm lẫn, sai sót… khi khách hàng chuyển tiền hoặc phong tỏa theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển.
Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán của người nhận không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Tài khoản của khách hàng cũng có thể bị phong tỏa khi ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc chủ tài khoản gian lận, vi phạm pháp luật.
Khách hàng chuyển tiền nhầm có thể lấy lại được tiền khi ngân hàng phong tỏa tài khoản của người nhận. Ảnh minh hoạ: Linh Anh
Quy định mới này nếu được thông qua, theo các chuyên gia, sẽ hỗ trợ nhiều khách hàng chuyển tiền nhầm có khả năng lấy lại được tiền. Ngân hàng sẽ có quyền nhiều hơn khi được phép phong tỏa tài khoản người nhận nhầm bất chấp chủ tài khoản này có đồng ý hay không.
Thực tế nhiều người cho biết đã chuyển tiền qua số tài khoản, số thẻ cho bạn bè, người thân nhưng gõ sai thông tin nên bị chuyển nhầm cho người khác. Tuy nhiên, việc đòi lại tiền chuyển nhầm gặp rất nhiều khó khăn vì người nhận tiền không hợp tác, không chịu trả, trong khi ngân hàng cũng không có cơ sở pháp lý để hỗ trợ lấy lại tiền (nếu không được sự đồng ý của người nhận nhầm).
Tuy nhiên, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản, bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người lao động