Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao

16/11/2019 07:30

BizLIVE -

Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao

Ảnh minh họa.

Khởi phát từ đầu năm 2018, bước sang năm 2019, “cuộc đua” phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản không chỉ gây chú ý với lượng lớn mà còn ghi nhận mặt bằng lãi suất được đẩy lên rất cao. Đáng chú ý, để lôi kéo khách hàng, không ít doanh nghiệp phát hành nhiều đợt trái phiếu với lãi suất cao tới 14,5%/năm, thậm chí có doanh nghiệp còn đẩy mức lãi suất lên mức 20%.
Điển hình, cuối quý I/2019, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) đã phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất lên đến 14,5%, cao hơn lãi suất trong những đợt phát hành trước đó (12% và 10,5%).
Trong tháng 5  vừa qua, Công ty cổ phần Ðầu tư Văn Phú (mã chứng khoán VPI) cũng phát hành thành công 8.000 trái phiếu với tổng trị giá 800 tỷ đồng (mệnh giá 100 triệu đồng một trái phiếu). Lãi suất phát hành áp dụng cho một kỳ tính lãi đầu tiên là 12% một năm.
Mới đây, hàng loạt công ty bất động sản khác tại TP.HCM cũng đã công bố thông tin phát hành thành công hàng trăm tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Nhiều lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Cụ thể như, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na (mã LSG) phát hành thành công 1.000 trái phiếu riêng lẻ, không tài sản đảm bảo, không chuyển đổi vào ngày 25/10 cho một nhà đầu tư tổ chức trong nước. Mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị 100 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng.
Nhà đầu tư không rõ danh tính này sẽ nắm giữ trái phiếu của LSG trong 36 tháng, được thanh toán lãi 6 tháng/lần với mức lãi suất 11%/năm. Được trả gốc khi đáo hạn.
Hay mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico (Sovico Group) cũng công bố phát hành thành công tổng số lượng 2.500 trái phiếu riêng lẻ, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu cho nhà đầu tư tổ chức trong nước không nêu đích danh, với tổng giá trị là 250 tỷ đồng.
Trong đó, 500 trái phiếu (50 tỷ đồng) phát hành vào ngày 31/10 và 2.000 trái phiếu (200 tỷ đồng) phát hành ngày 01/11. Hai lô trái phiếu riêng lẻ này không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 36 tháng, được thanh toán lãi 6 tháng/lần, với lãi suất 11%/năm…
Lãi càng cao, rủi ro càng lớn?
Theo báo cáo tổng hợp về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đăng ký phát hành trong tháng 10 là 32.312 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng 9/2019, nhỉnh hơn tháng 8/2019. Khối lượng phát hành thành công đạt 16.947 tỷ đồng, thấp hơn khoàng 2.500 tỷ đồng so với hồi tháng 9.
Lũy kế 10 tháng, giá trị trái phiếu đăng ký phát hành gần 311.551 tỷ đồng, phát hành thành công gần 202.215 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thành công là 65%.
Trong tháng 10, trái phiếu được phát hành thành công chủ yếu nằm ở kỳ hạn 2-3 năm, vùng lãi suất trải rộng từ 6,5% đến 20%, chi phí huy động vốn bình quân đạt 10,69%/năm, trong khi hồi tháng 9, chi phí huy động vốn bình quân chỉ là 7,41%, vùng lãi suất là 6% -11%/năm.
Vùng lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 5 năm cao nhất từ 8,5% đến 20%/năm, qua đó đưa nhóm này có chi phí huy động vốn bình quân lên mức 17,38%/năm; tiếp sau là vùng lãi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm 10,5% - 11,5%/năm, qua đó chi phí phát hành lên đến 10,95%/năm.
Phân theo nhóm ngành, trong tháng 10, ngành bất động sản hút 4.864 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 10,5%, cho kỳ hạn 3 năm; cao hơn 2,43%/năm so với tháng 9; tiếp theo là ngành ngân hàng hút 3.481 tỷ đồng, với chi phí huy động bình quân là 7,23%/năm, kỳ hạn 2-3 năm; ngành nghề khác hút hơn 8.451 tỷ đồng, chi phí huy động bình quân 12,27%/năm.
Trao đổi về việc này, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho biết, nguyên nhân là nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn. Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn vì đòi hỏi các điều kiện khắt khe, phải có tài sản thế chấp, đảm bảo. 
Mặt khác, 70% nguồn vốn hệ thống ngân hàng cho vay mức dài hạn lại lấy từ dòng vốn huy động ngắn hạn, do đó khó đáp ứng đủ nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp, nếu có đáp ứng được thì cũng không bền vững. Chính vì vậy, từ khi có Nghị định 163/2018/NĐ - CP, tốc độ phát triển của trái phiếu doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn.
“Về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Trong thời điểm này, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có rủi ro càng lớn. Điều này càng quan trọng khi cách thức tiếp cận thông tin về doanh nghiệp của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư muốn mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là của các công ty bất động sản cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như độ minh bạch của báo cáo tài chính, tính pháp lý của dự án, độ hợp lý trong vấn đề định giá…”, chuyên gia Bùi Quang Tín chia sẻ.

VÂN PHONG

Tin liên quan

Vắng bóng dự án BOT giao thông mới từ năm 2016 Bitexco mang 14 lô đất dự án đối ứng BT “tỷ đô” thế chấp ngân hàng Tạm đình chỉ, tổng kiểm tra siêu dự án “bạt núi” làm du lịch ở cột cờ Lũng Cú

Cùng dòng sự kiện

Từ khóa: Bất động sản, Dự án, Doanh nghiệp, Trái phiếu, VPI, TP.HCM

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo bizlive.vn