Tại Diễn đàn các xu hướng y tế Tương lai 2020 do Trường Đại học Quốc gia Singapore tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các diễn giả và đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Bangladesh..., Ban tổ chức đã mời PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban điều trị COVID-19, đại diện cho Việt Nam tham dự.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã chia sẻ kinh nghiệm phòng chống và điều trị COVID-19 của Việt Nam và các bài học kinh nghiệm tạo nên sự thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch/ điều trị COVID-19 và định hướng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới của Bộ Y tế Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban điều trị COVID-19, đại diện cho Việt Nam tham dự Diễn đàn các xu hướng y tế Tương lai 2020đã chia sẻ kinh nghiệm phòng chống và điều trị COVID-19 của Việt Nam. Ảnh minh họa nguồn internet
Nội dung này phù hợp với 2 chủ đề của Hội nghị là: Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hệ thống y tế và Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế (y tế số), như tư vấn từ xa (tele-consult), giám sát từ xa (tele-monitoring), cung ứng thuốc (drug delivery), nhằm tăng hiệu suất (efficiency) và giảm chi phí cho hệ thống y tế.
Tính đến nay, toàn thế giới ghi nhận hơn 55 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu người tử vong, trong khi Việt Nam ghi nhận 1.304 ca mắc và 35 người tử vong do COVID-19.
Đến nay, sau hơn 2 tháng, Việt Nam không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Sự thành công bước đầu và tích cực của Việt Nam trong phòng chống, điều trị và kiểm soát dịch bệnh như trên nhờ sự nỗ lực không ngừng của tất cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và các đối tác.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã chia sẻ với 10 bài học từ Việt Nam:
1. Sự vào cuộc sớm và quyết liệt của các hệ thống chính trị, bộ ngành, sự đồng lòng của người dân. Thiết lập hệ thống chỉ đạo xuyên suốt.
2. Xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó với các tình huống cấp độ dịch bệnh.
3. Tổ chức phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc, điều trị - Quản lý thông tin báo cáo ca bệnh.
4. Cập nhật thường xuyên các hướng dẫn chuyên môn.
5. Xây dựng các quy định về trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho đơn vị điều trị COVID-19.
6. Thiết lập hệ thống xét nghiệm ngay tại cơ sở khám chữa bệnh.
7. Đánh giá thực trạng nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, đào tạo, bổ sung năng lực chuyên môn.
8. Thành lập đội cơ động và hỗ trợ thường xuyên cho địa phương.
9. Thành lập Trung tâm Trực tuyến hỗ trợ điều trị COVID-19.
10. Theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên thực hiện tiêu chí chất lượng bệnh viện an toàn phòng chống COVID-19.
Về định hướng trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới y tế từ xa (Tele-Medicine Network) nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế ứng dụng Công nghệ Thông tin trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và công tác điều trị; tiếp tục giảm quá tải bệnh viện, giảm lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế và phân tuyến điều trị.
Việc tổ chức phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc, điều trị - Quản lý thông tin báo cáo ca bệnh là một trong 10 kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống và điều trị COVID-19. Ảnh minh họa nguồn internet
Các chia sẻ, bài học và định hướng của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của các nước trong khu vực châu Á.
Trong khuôn khổ sự kiện, các thảo luận được đưa ra gồm tác động của dịch bệnh COVID-19 và sự đáp ứng/cải cách của hệ thống y tế, việc triển khai ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số và công nghệ thông tin trong y tế, và các hợp tác công- tư nhằm tăng cường hệ thống y tế các nước.
Diễn đàn các xu hướng y tế Tương lai 2020 hội tụ các nhà hoạch định chính sách, các viện/trường, đối tác phát triển, các hiệp hội và các đối tác tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, để chia sẻ và trao đổi về các xu hướng phát triển trong tương lai và các định hướng ưu tiên chính sách về y tế của các quốc gia.
Diễn đàn các xu hướng y tế Tương lai được luân phiên tổ chức hàng năm tại các nước trong khu vực châu Á. Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị này năm 2016 và 2018. Năm 2020 là năm đầu tiên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.