Chỉ 1 năm trước, Tencent đã có được một trong những hợp đồng truyền thông được thèm khát nhất ở Trung Quốc khi trả 1,5 tỷ USD để có quyền truyền hình trực tiếp các trận đấu của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Tuy nhiên chỉ 1 dòng tweet ngắn ngủn đã thay đổi tất cả.
Tencent đang phải ngừng phát sóng các trận đấu mà năm ngoái đã thu hút tới một nửa tỷ người xem sau khi quản lý Daryl Morey của đội Houston Rockets gây bão mạng bằng bài viết ủng hộ những người biểu tình Hồng Kông trên Twitter. Đó là "giọt nước tràn lý" cho 1 năm 2019 đầy thất vọng đối với gã khổng lồ công nghệ.
Không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ USD tiền quảng cáo và phí thuê bao, sự việc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược trở thành nhà cung cấp các dịch vụ giải trí trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc của Tencent – hãng vốn đang nổi tiếng nhất về game.
Trước đó Tencent đã trải qua năm 2018 khá tồi tệ sau khi bị ngừng cấp phép phát hành game mới trong 9 tháng, trong khi game là mảng kinh doanh đem lại cho hãng nhiều lợi nhuận nhất. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cùng với việc bị các đối thủ như ByteDance (công ty đứng sau ứng dụng mạng xã hội đình đám Tik Tok) tranh giành thị phần lưu lượng truy cập và cả doanh thu quảng cáo, vụ tai bay vạ gió liên quan đến Hồng Kông đang đe dọa có thể vùi dập chiến lược hồi sinh của Tencent.
Đó cũng chính là nguyên nhân chủ chốt khiến cổ phiếu Tencent diễn biến khá tệ từ đầu năm đến nay, bị đối thủ Alibaba bỏ xa và giờ khoảng cách về giá trị vốn hóa của 2 cổ phiếu này đã lên đến hơn 90 tỷ USD. So với đỉnh lập hồi tháng 4, Tencent đã mất 86 tỷ USD giá trị vốn hóa.
Ngày mai Tencent dự kiến sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng không đặt nhiều kỳ vọng. Lợi nhuận ròng được dự báo sẽ không tăng trưởng vì doanh thu chỉ tăng trưởng vừa đủ để bù đắp chi phí.
Mặc dù tựa game mới "Đội quân gìn giữ hòa bình tinh nhuệ" thu hút đông đảo người chơi và được dự đoán có thể đạt được quy mô tương đương "con gà đẻ trứng vàng" Honour of King, tương lai bất ổn vẫn bao trùm mảng kinh doanh cốt lõi của Tencent. Đầu tháng 11, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin các nhà quản lý nước này sẽ ra quy định giới hạn mỗi trẻ em chỉ được chơi game 1,5 tiếng mỗi ngày, trong khi trẻ em là khách hàng lớn của các game trên di động mà Tencent đang có.
Từ con số 0 năm 2017, ByteDance giờ đã lớn mạnh và khiến các ông lớn như Tencent phải bẽ mặt. Sau khi buộc công ty chủ quản của WeChat phải bắt chước các sản phẩm của mình để chạy theo cơn sốt video ngắn đã giúp Tik Tok thu hút đông đảo người dùng, giờ đây ByteDance lại đang làm ngập thị trường với các quảng cáo giá rẻ.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg