Sở Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành góp ý đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM (do Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư xây dựng). Sau khi đề án hoàn thiện sẽ tổ chức hội thảo, phản biện xã hội trước khi trình UBND TPHCM xem xét trong năm 2020.
Đường Nguyễn Huệ được đầu tư thành quảng trường đi bộ đầu tiên của Việt Nam từ năm 2015
Theo đề án, khu vực phố đi bộ được nghiên cứu thực hiện tại quận 1 bao gồm các đoạn trên tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, vòng xoay Quách Thị Trang, Tôn Đức Thắng, khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà với diện tích khoảng 300ha.
Đề án đề xuất 3 phương án, trong đó phương án 2 là tối ưu nhất và nhận được ủng hộ của người dân, du khách và chuyên gia khi xét tiêu chí: độ an toàn, hấp dẫn, kết nối...
Theo phương án này, phố đi bộ ưu tiên cho 5 tuyến đường, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách. Mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần. Tuy nhiên, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần như ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Hai phương án còn lại ít người ủng hộ, gồm: tổ chức phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho quận 1 với mạng lưới nhiều tuyến đường ở trung tâm nhưng chỉ cấm xe trên một số đường; tổ chức phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và một số đường ngang liên kết.
Theo đề án, khu vực quy hoạch mở rộng phố đi bộ sẽ chia thành 7 tiểu khu đặc trưng là điểm nhấn đô thị có giá trị lịch sử - văn hóa - du lịch khá đa dạng.
7 tiểu khu đặc trưng gồm: khu văn hóa thanh niên; khu lịch sử - văn hoá; khu thương mại - mua sắm; khu biểu diễn nghệ thuật.
Riêng khu ẩm thực quốc tế (các đường Thi Sách, Nguyễn Trung Trực, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Đông Du) không được kết nối trực tiếp tới khu vực các đường đi bộ nhưng tập trung nhiều nhà hàng ẩm thực đa dạng của nhiều nước trên thế giới.
Khu vực đại lộ và trung tâm hành chính gồm 2 tuyến đại lộ Hàm Nghi, Lê Lợi và quảng trường đi bộ hiện hữu tạo thành tam giác bao quanh khu vực nội thị, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực đa dạng.
Khu chợ Bến Thành với điểm nhấn là công trình mang tính biểu tượng của TPHCM có lịch sử lâu đời và cũng là trung tâm thương mại, du lịch quan trọng của thành phố với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đa dạng và ẩm thực hấp dẫn.
Toàn bộ các tuyến phố đi bộ sẽ được cải tạo vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh, mảng xanh, bày trí đường phố... để tăng mỹ quan đô thị và tăng tính tiện ích. Những tuyến đường này cũng cung cấp wifi miễn phí cho du khách.
Để giảm thiểu ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực phố đi bộ, đề án đề xuất 3 giải pháp: bố trí chỗ đỗ xe miễn phí cho dân có hộ khẩu trong khu vực phố đi bộ; cho phép người dân di chuyển tốc độ <10 km/h để về nhà hoặc cấp giấy lưu hành đặc biệt cho người dân.
Khu vực quy hoạch phố đi bộ cũng có 34 tuyến xe buýt đi qua. Vì vậy, Thành phố triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng với 388 xe tại 52 vị trí khu vực quận 1 và dọc dự án tổ chức làn đường ưu tiên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu. Giai đoạn 2021-2030 sẽ mở rộng ra các địa bàn quận trung tâm, dự kiến đầu tư thêm 3.000 xe đạp bố trí ở 350 vị trí.
Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất giải pháp bổ sung vị trí đỗ xe. Theo tính toán, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đỗ xe máy là 66% (còn thiếu hụt 34%), ô tô (taxi và xe du lịch) là 90% (thiếu hụt 10%).