Hà Nội sẽ đưa xe buýt điện vào hoạt động từ năm 2021
Thành phố Hà Nội vừa giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tập trung phát triển mạng lưới xe buýt, trong đó có bổ sung thêm loại hình xe buýt điện và phấn đấu đưa vào hoạt động từ năm 2021.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở GTVT tập trung phát triển mạng lưới xe buýt ngang, tăng cường khảo sát để mở rộng thị trường, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt; phấn đấu đến năm 2021 sẽ đưa xe buýt điện vào hoạt động.
Bên cạnh đó, thành phố cũng rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, tuyến phố không cho ôtô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như Buýt nhanh-BRT, đường sắt đô thị…
Cùng với kế hoạch này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp để ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trong thời gian tới.
Xe buýt nhanh BRT - một loại hình vận tải công cộng tại Hà Nội. Ảnh: Anh Trọng |
Theo đó, để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ VTHKCC đạt từ 20 đến 25% vào năm 2020 trong đó xe buýt đạt từ 17 đến 20%, thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như: thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2020; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng…
Với xe buýt, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện. Trong các tuyến đường được thành phố Hà Nội lên phương án tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt gần 10 tuyến phố.
Song song với đó, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở GTVT rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như buýt nhanh – BRT, đường sắt đô thị…
Ngoài xe buýt truyền thống, hiện vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có thêm các loại hình xe buýt nhanh, xe buýt chạy bằng nhiên sách CNG, và từ năm 2021 sẽ có thêm loại hình xe buýt điện.
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến xây dựng đô thị thông minh
Bà Rịa - Vũng Tàu có thể trở thành thành phố xanh bậc nhất Đông Nam Á vào năm 2040 là mục tiêu mà tỉnh này hướng đến để từng bước triển khai xây dựng đô thị thông minh.
Ý tưởng đưa ra là quy hoạch và xây dựng mô hình kinh tế đặc biệt cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Mô hình này sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai là đô thị cảng, trung tâm logistics của cả nước gồm các dịch vụ khu đô thị thông minh, chính phủ điện tử, trung tâm thương mại điện tử, khu nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích hơn 20.000 ha. Những ý tưởng trên hiện đã được triển khai thành công tại Dubai và Singapore.
Ảnh minh họa. |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm việc với các tập đoàn nước ngoài, trong đó có đại diện Tập đoàn Abdulla Bin Zayed - Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Tập đoàn IMG (Việt Nam) nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong muốn các tập đoàn nghiên cứu, đề xuất đầu tư các dự án liên quan đến phúc lợi xã hội, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hàng trăm ôtô bị phạt vì đỗ quá 3 phút trong sân bay
Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở GTVT, công an Quận Tân Bình và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hành xử phạt 886 vụ vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, với số tiền phạt là 2,3 tỉ đồng.
Trong đó, tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với 115 trường hợp, tước phù hiệu xe 2 trường hợp, tịch thu phù hiệu 1 trường hợp, tạm giữ phương tiện 1 trường hợp có nhiều lỗi vi phạm.
Lực lượng chức năng cương quyết xử lý xe đậu đỗ quá 3 phút - Ảnh: L. LÂM |
Trong số các vi phạm trên, lực lượng chức năng đã xử phạt 266 vụ ôtô đậu đỗ quá 3 phút với số tiền phạt là 192,8 triệu đồng.
Ông Phạm Lê Lâm - phụ trách Đội Tham mưu Thanh tra Sở GTVT TP - cho biết hiện nay khu vực sân ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải do lượng hành khách đi và đến quá đông, thường xuyên xảy ra ùn tắt giao thông.
Khu vực này đã được lắp đặt biển báo cấm đậu đỗ xe. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu xe hơi đón trả khách, sân bay đã cho phép xe đậu đỗ không quá 3 phút. Vì vậy, những xe nào đậu đỗ quá 3 phút, có nguy cơ gây ra ùn tắc giao thông, sẽ bị xử phạt về hành vi đậu đỗ trái quy định.
Các lực lượng chức năng cũng đã xử phạt 469 vụ xe kinh doanh vận tải không niêm yết số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở mặt ngoài hai bên cánh cửa xe, với số tiền 1,43 tỉ đồng; 10 vụ không niêm yết khẩu hiệu "Tính mạng con người là trên hết" với số tiền 30 triệu đồng.
Gần 500 tỷ đồng nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh
Ngày 5/10, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư dự án) khởi công xây dựng nâng cấp toàn bộ tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,2km với tổng kinh phí 473 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 14 tháng thi công.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu thi công sửa chữa vào sáng 5/10. Ảnh: NLĐ |
Ông Ninh cũng cho biết, nền đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được nâng lên 0,5 - 1,2m, đồng thời với cải tạo và xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật... bảo đảm thoát nước cho lưu vực rộng diện tích khoảng 35ha. Để thực hiện dự án, có khoảng 60/459 cây xanh bị đốn hạ - đây là những cây sinh trưởng yếu, cụt ngọn. Sau khi dự án hoàn thành, tuyến đường sẽ trồng bổ sung 130 cây xanh mới.
Trong quá trình thi công, tại khu vực hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh sẽ tổ chức lưu thông 2 chiều cho các loại xe, bao gồm cả xe máy. Một đoạn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ cấm ô tô lưu thông hướng từ đường Ngô Tất Tố đến chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng từ năm 1997, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2002. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và thường xuyên ngập nặng.
Quảng Trị chi gần 15 tỷ đồng lắp đặt camera an ninh đường phố
Ngày 5/10, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống camera giám sát trật tự ATGT, kết hợp giám sát ANTT tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn tỉnh.
Camera giám sát ANTT tại TP Đông Hà. |
Dự án nhằm mục đích nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát hành vi vi phạm trật tự ATGT, điều hành giao thông đường bộ và tăng cường kiểm soát, giữ vững ANTT trên địa bàn.
Dự án được giao cho Ban ATGT tỉnh làm chủ đầu tư, với việc lắp đặt gồm 1 trung tâm xử lý, lưu trữ dữ liệu; 1 trung tâm khai thác, sử dụng lưu trữ dữ liệu; 10 trạm trung tâm khai thác dữ liệu đặt tại Phòng CSGT và Công an 9 huyện, thị xã, thành phố cùng với 72 trạm camera giám sát an ninh trật tự ATGT.
Trong đó, TP Đông Hà 23 trạm, thị xã Quảng Trị 10 trạm; các huyện Hướng Hóa 8 trạm, Hải Lăng 5 trạm, Triệu Phong và Đakrông mỗi huyện 4 trạm; Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ mỗi huyện 6 trạm. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 15 tỷ đồng.
P.V (tổng hợp)