Tây Ninh dồn lực để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao

20/12/2019 09:26

Tây Ninh là địa phương có lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao. Gần đây nhiều khu vực đất trồng mía, cao su, hoa màu cho năng suất thấp đã được chuyển đổi thành đất trồng rau xanh, dưa lưới, trái cây bằng công nghệ cao và mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân.

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh Tây Ninh đưa ra nghị quyết thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp sạch, gắn với các loại nông sản hữu cơ và áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Theo đó, ngành nông nghiệp của Tây Ninh đã tổ chức liên kết giữa các khâu sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất khép kín để nâng cao giá trị nông sản và đầu tư bài bản vào khâu tiêu thụ hàng hóa.

Theo kế hoạch, tính đến năm 2020, không tính cây cao su, tỉnh Tây Ninh còn 140.000ha lúa, 10.000ha mía, 62.000ha khoai mì. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng giá trị ngành nông nghiệp và phấn đấu đạt ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Tây Ninh đã thực hiện cơ chế mở cửa, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bỏ vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp. Nhờ đó, đã có hàng trăm dự án trồng rau xanh, dưa lưới, trái cây cao sản và nhà máy chế biến nông sản bằng công nghệ hiện đại đã được thực hiện.

Nhà máy Tanifood mỗi ngày tiêu thụ 500 tấn trái cây của nông dân Tây Ninh để chế biến hoa quả xuất khẩu

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng cho năng suất và giá trị thương phẩm bằng phương thức áp dụng công nghệ cao. Cụ thể, hiện Tây Ninh hiện đã có hơn 200 ha đất trồng mãng cầu (na) VietGAP, 1.000 ha trồng bưởi da xanh, hơn 380 ha trồng chuối già xuất khẩu, 90 ha hoa lan, 33 trang trại trồng rau nhà kính, 38 mô hình sản xuất rau an toàn. Những khu vườn trồng rau xanh, cây cho quả hiện nay đa số từ vùng đất mía, cao su, cây khoai mì cho năng xuất thấp. Chính từ sự chuyển đổi cây trồng và phương thức sản xuất này, năng suất cây trồng theo phương pháp mới giá trị cao hơn phương thức sản xuất truyền thống trước đây nhiều lần.

Chỉ riêng mô hình sản xuất rau quả trong nhà kính, Tây Ninh hiện có 33 trang trại, tổng diện tích gieo trồng đạt khoảng 106.000 m², chủ yếu là rau xanh, dưa lưới, dưa lê…bằng hệ thống tự động hóa từ bón phân đến tưới nước, kiểm soát quá trình sinh trưởng, sâu bệnh. Dưa lưới thương phẩm là mặt hàng mới rộ trên địa bàn Tây Ninh, sản lượng đạt khoảng 2,5 - 3 tấn/ha, giá bán tại vườn trên dưới 30.000 đồng/kg. Theo nông dân trồng dưa lưới ở Tây Ninh, với năng xuất và mức giá bán này, người nông dân không chỉ thoát nghèo mà không ít người còn có thể làm giàu.

“Từ khi trái mãng cầu Bà Đen được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhiều nông dân trúng lớn khi đầu tư trồng bằng công nghệ cao nhờ năng xuất, giá trị thương phẩm lớn và nhu cầu tiêu thụ tăng”, ông Trần Văn Năm, nông dân trồng mãng cầu Bà Đen ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh chia sẻ. Theo một số nông dân trồng mãng cầu Bà Đen, loại trái cây này trồng bằng quy trình truy xuất nguồn gốc hữu cơ vi sinh đúng cách sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Diện tích trồng cây ăn trái ở Tây Ninh hiện có hơn 16.400 ha, chủ yếu là dứa, chuối, mãng cầu, cam, quýt, sầu riêng, xoài, chôm chôm, thanh long. Riêng cây dứa đang mang lại lợi nhuận cho người nông dân hơn 4 lần so với cây mì và gấp 15 lần so với cây mía nhờ năng xuất cao và bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu. Công ty TNHH Tanifood đầu tư 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy với công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày để sản xuất các loại nước hoa quả xuất khẩu. Để có nguồn nguyên liệu, nhà máy này đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu dài hạn các loại hoa quả với nông dân, nhờ đó một quy trình sản xuất khép kín đã hình thành và người trồng tỉa đã yên tâm ở khâu tìm “đầu ra” cho hàng hóa, vốn là khâu luôn nằm ngoài tầm tay của họ.

Theo ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh - ngành nông nghiệp Tây Ninh đang đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao; sản xuất theo nhu cầu thị trường gắn với du lịch. Để thực hiện kế hoạch này, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lại khâu sản xuất, xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân, thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực kinh tế cả trong và ngoài tỉnh vào nông nghiệp.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo Báo Công Thương Điện Tử