Năm 2000, khi ông Tân 52 tuổi, mẻ xúc xích Đức Việt đầu tiên ra lò. Năm 2010, Công ty CP Thực phẩm Đức Việt trở thành một trong 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất, tạo thành thế chân kiềng vững chắc tại thị trường nội địa bên cạnh Vissan và CP.
Năm 2016, ông Tân bán Xúc xích Đức Việt cho Tập đoàn Daesang Corp (Hàn Quốc) với giá 32 triệu USD (tương đương 720 tỷ đồng bấy giờ).
Ông chủ cũ của xúc xích Đức Việt bức xúc trước việc ngừng chi trả thu nhập theo cam kết của Cocobay. (Ảnh: Ngọc Vy).
Sau khi chia tay với xúc xích Đức Việt, ở tuổi U80, ông thành lập Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức, hoạt động trong lĩnh vực điện rác và năng lượng tái tạo.
Theo ông Tân, sau thương vụ bán xúc xích Đức Việt, với số tiền có được trong tay, ông Tân cho rằng, hoàn toàn có thể nghỉ hưu an dưỡng tuổi già. Nhưng ông Tân lại chọn đầu tư vào bất động sản. Được biết, ông Tân bỏ gần 600 tỷ đồng để mua dự án Cocobay. Trong đó, ông Tân vay của ngân hàng SHB số tiền 402 tỷ đồng với lãi suất hơn 8%/năm trong vòng 18 tháng và hiện tại là 10,4%/năm.
Ông Tân cho biết, hiện công ty của ông sở hữu 42 bất động sản, theo hợp đồng đã ký thì Thành Đô phải trả 67,7 tỷ đồng/năm tiền thu nhập cam kết.
Thành Đô đã trả cho công ty của ông Tân hai năm và tạm ứng kỳ 1 năm 2019 là 14,5 tỷ đồng, còn nợ 54 tỷ đồng chưa trả. Toàn bộ số tiền này, công ty của ông Tân đã trả cho SHB 74 tỷ đồng tiền gốc và 76 tỷ đồng tiền lãi.
Ông Tân cho biết, ông quyết định mua Cocobay vì ông tin vào hai người bạn là ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Emipre, Chủ đầu tư dự án Cocobay và ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch hội đồng Quản trị SHB, đại diện đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư Cocobay, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ.
"Chính vì vậy, khi nhận được thông báo ngừng chi trả thu nhập cam kết, tôi rất sốc", ông Tân cho hay.
Ông Thành từng nói với ông có tài sản đảm bảo rất lớn là 21 ha đất “kim cương” ở khu Naman, hiện mới khai thác 6ha, còn 15ha đã có người trả 20 triệu đồng/m2, tức là 15ha này tương đương với 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tại Cocobay còn có 250 shop villa và shophouse vừa được điều chỉnh, nếu bán được số này cũng thu về mấy ngàn tỷ.
“Với số tài sản khổng lồ này, Thành Đô không có lý gì không giải quyết mà lại tìm cách “ăn quỵt” của các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào đầu tư tại dự án”, ông Tân cho hay.
Lý giải nguyên nhân khiến Cocobay bị "vỡ trận", ông Tân cho rằng, Thành Đô đã làm rất tốt khi bán hàng ở Naman và khu Boutique Hotels, nhưng lại dùng tiền đó để đầu tư dàn trải và rất lãng phí. "Ví dụ họ chôn 100 tỷ làm tầng hầm toà tháp đôi Twin Tower, nhưng sau đó lại chuyển vị trí tháp đôi này ra vị trí khác. Vị trí tháp đôi cũ biến thành khu shophouse 2 tầng. Với khu shophouse 2 tầng thì cần gì móng và hầm 100 tỷ đồng", ông Tân phân tích.
Ngoài ra, theo ông Tân, việc "ném" một số tiền khổng lồ vào truyền thông cũng rất kém hiệu quả và lãng phí. "Sự thất bại của Cocobay là do nhiều nguyên nhân. Họ giấu lỗi chủ quan, mà đi đổ lỗi cho Nhà nước, cho chính sách là không đúng", ông Tân nhấn mạnh.
VTC News