So với cách đây khoảng 2 tháng thì số đơn vị nợ BHXH giảm hơn 2/3 (tháng 8/2019 có tới 770 đơn vị) nhưng số tiền nợ giảm không đáng kể (tháng 8, số nợ gần 1.000 tỷ đồng).
Trong số này, nhiều địa bàn có số nợ lớn như tại BHXH TP.HCM đang có 31 đơn vị, với số tiền nợ là gần 160 tỷ đồng. Trong đó, tại quận 1 đang có 30 đơn vị với số tiền nợ trên 100 tỷ đồng, quận Bình Tân có 17 đơn vị với số tiền nợ gần 50 tỷ đồng….
Trong danh sách “đen” này có nhiều cái tên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xuất hiện đã lâu nhưng số nợ vẫn chưa giảm được đáng kể, thậm chí nhiều đơn vị nợ ngày càng phình to.
Điển hình như công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (ở địa chỉ 146 Nguyễn Công Trứ, quận 1) nợ gần 14 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (tầng 6, cao ốc H2, số 196 Hoàng Diệu, phường 8, quận 4) nợ gần 8 tỷ đồng.
Hay công ty CP Đầu tư xây dựng số 8 (400/5 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh) đang nợ gần 8 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty này có 2 dự án nằm trong danh sách “đen” vừa bị bêu tên do chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã cho cư dân vào ở (chung cư Bắc Bình ở quận Bình Thạnh và chung cư Cao Ốc Xanh tại quận 9).
Đáng chú ý là công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (địa chỉ 286 - 288 Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận) có số nợ gần 10 tỷ đồng.
Công ty này là “gương mặt thân quen” trong danh sách nợ BHXH bị “bêu tên”, cũng là đơn vị đã cố tình chây ì BHXH từ nhiều năm nay, mà không có phương án trả nợ.
Thời điểm cuối năm 2018, công ty này đang nợ 6,5 tỷ đồng và hồi cuối năm 2017 nợ 3,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có một số cái tên đang nợ BHXH nhiều như công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (có địa chỉ tại số 10, đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) đang nợ gần 30 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (địa chỉ 172A Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3) cũng nợ gần 16 tỷ đồng. Công ty TNHH Vinh Thuỳ (địa chỉ tại 511 Điện BiênPhủ, phường 3, quận 3) nợ gần 12 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: "Các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thì đến nay vẫn còn nhiều đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp) vẫn không khắc phục đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Thậm chí, nhiều trong số này không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan BHXH và của cả UBND TP.HCM".
Trước tình trạng này, BHXH TP.HCM đã chuyển hồ sơ 22 đơn vị có hành vi vi phạm sang Công an TP.HCM để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, đơn vị có số nợ cao nhất là gần 7 tỷ đồng và nợ thấp nhất là trên 300 triệu đồng.