Na rừng (hay còn gọi là quả chí chuôn chua, xưn xe, tè khửn, cơm nắm) mọc chủ yếu trong những cánh rừng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên…
Trước đây, khách du lịch có thể bắt gặp và tìm mua loại quả này từ người dân địa phương, bà con dân tộc khi đến các tỉnh miền Bắc. Vào mùa thu hoạch, bà còn thường bày bán na rừng tại các chợ địa phương, trải dọc bên đường các điểm du lịch.
Vài năm gần đây, na rừng được nhiều người tìm mua về làm thuốc, chữa bệnh nên các thương lái đã thu gom và chuyển xuống các tỉnh cả miền Trung, miền Nam để bán cho khách hàng có nhu cầu.
Ảnh do nhân vật cung cấp
Anh Chu Văn Dũng (42 tuổi), một đầu mối thu mua na rừng ở Lai Châu cho biết, có hai loại là na trắng và na đỏ, mùa thu hoạch từ khoảng tháng 6 đến hết tháng 10 hàng năm. Na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, còn na đỏ thì toàn thân màu đỏ tươi, mùi rất thơm.
“Na rừng mọc trong những cánh rừng sâu nên việc khai thác rất khó khăn. Đây là loại cây thân leo, mọc vào những cây thân gỗ lớn. Muốn hái được na phải là những người đi rừng giỏi, am hiểu thổ địa, đôi khi phải đi rừng nhiều ngày mới hái được.
Không chỉ quả mà rễ, thân na rừng cũng được nhiều thương lái Trung quốc hỏi mua nhưng bên mình không thu gom, không bán. Thậm chí còn vận động người dân không khai thác quá mức để tránh bị mất giống cây”, anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo thương lái này, na rừng có vị thơm nhưng ăn không ngon. Tuy nhiên, do có giá trị cao về dược liệu nên được rất nhiều người tìm mua. Trung bình na rừng đỏ thường nặng từ 4-7 lạng/quả, có quả nặng 2-3kg với giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/ kg. Tính ra 1 quả na rừng có thể có giá từ vài trăm nghìn cho đến cả bạc triệu. Trên thị trường na trắng có giá rẻ hơn do ít giá trị về dược liệu.
Chị Hương, một đầu mối thu mua na rừng đỏ hơn 3 năm ở Điện Biên chia sẻ, năm nay sản lượng ít hơn mọi năm nên chị gom từ các tiểu thương, bà con dân tộc mới được gần một tạ. Thời điểm này đang là cuối vụ, na được thu hoạch gần hết nên giá cao hơn, nếu muốn mua phải đặt hàng trước mới có.
Ảnh do nhân vật cung cấp
Na rừng đạt yêu cầu là quả không bị thối hỏng, các mắt, khe nứt to. Là loại quả của núi rừng miền Bắc nhưng na rừng cũng được cả khách miền Trung, miền Nam ưa chuộng.
Theo thương lái này, sở dĩ na rừng được săn đón vì có giá trị dược liệu rất lớn. Quả na rừng có thể trị phong thấp hay làm thuốc an thần trị chứng mất ngủ, giúp điều hòa khí huyết, hồi sức. Ngoài ra, quả na rừng đem ngâm rượu có thể trở thành bài thuốc bổ dương rất hiệu quả mà người Mông hay gọi là rượu Tứn khửn – “thần dược phòng the”.