Làm nông hữu cơ PGS bắt đầu sinh lợi

20/12/2019 08:59

Bốn nhóm trồng rau ở năm xã của huyện Ba Tri, Bến Tre, đang cần mẫn trồng rau hữu cơ theo hệ thống PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia giữa người sản xuất và người tiêu dùng).

PGS là phó giáo sư? Nói vui thì như vậy, nhưng đúng nghĩa, theo bà Ino Mayu, đó là viết tắt của từ Participatory Guarantee System – Hệ thống bảo đảm cùng tham gia.

Mỗi tháng, dưới sự chủ trì của Ino Mayu, chuyên gia người Nhật từ tổ chức Seed to Table – Từ hạt giống đến bàn ăn, các nhóm ngồi lại trong buổi họp giao ban để chia sẻ kinh nghiệm…

Cách sống chung với sâu bọ

Trong những buổi họp tháng như vậy, nông dân từng nhóm chia sẻ ý kiến của mình và chép lại kinh nghiệm từ nhóm khác. Ví dụ, nhóm rau Bình Phú hiến kế trị côn trùng: “Nếu gặp cào cào thì chúng ta nên dẫn dụ, đuổi vào một đám rau, sau đó trùm lưới lại, phơi nắng sẽ chết. Còn sâu, có thể trị bằng cách phun nước ngâm từ gừng, tỏi, ớt, rượu…”.Có nhóm đưa ra thông tin đang gặp phải vấn đề bị ốc sên, ốc đá, bọ xít. Hay một nhóm khác lại nêu đã thành công khi dùng 1kg lá hoa cúc dại, giã nhuyễn rồi pha với 16 lít nước, ngâm qua đêm, lấy nước đó phun lên rau, đảm bảo sâu xanh, bọ nhảy sẽ chết. Rồi nhóm trồng rau của thầy trò trường Lương Thế Vinh, huyện Thạnh Phú, dùng rễ dây thuốc cá nghiền ra thành bột. Cứ 100g bột hoà với 16 lít nước, thêm tỏi vào ngâm qua đêm. Hỗn hợp này pha loãng có thể trị được sâu rầy, rệp…

Không chỉ bày kế trị sâu bệnh, các nhóm còn chia sẻ cách ủ phân bò, phân heo, hay sử dụng nguyên liệu là cá, sao cho bớt hôi mà hiệu quả vẫn cao… Hành, hẹ, húng là những cây có tinh dầu, có thể xua đuổi côn trùng. Nếu thăm vườn rau hữu cơ mà thấy những cụm hoa đủ màu khoe sắc, thì nên biết đó là cách nông dân dẫn dụ một số loại côn trùng để chúng đến với hoa, không phá hoại rau.

PGS là phó giáo sư? Nói vui thì như vậy, nhưng đúng nghĩa, theo bà Ino Mayu, đó là viết tắt của từ Participatory Guarantee System – Hệ thống bảo đảm cùng tham gia. Đây là hệ thống cấp chứng nhận hữu cơ cho nhóm, hộ nông dân theo hình thức đảm bảo các bên cùng tham gia, gồm người nông dân, đơn vị cấp chứng nhận – hiện là các liên nhóm và ban điều phối PGS tại các địa phương, kể cả người tiêu dùng. Để được cấp chứng nhận PGS, ít nhất năm hộ nông dân phải hợp lại thành một nhóm canh tác theo phương pháp hữu cơ, dưới sự kiểm tra của các liên nhóm và ban điều phối PGS tại các địa phương.

Không đủ bán

Ông Lê Quang Hay, chuyên viên phụ trách rau màu trạm khuyến nông huyện Ba Tri, cho hay, huyện có 1,2ha, với 14 hộ tham gia sản xuất rau hữu cơ theo mô hình PGS. Trong bốn nhóm, hai nhóm đã đạt chứng nhận hữu cơ theo PGS. Về đầu ra sản phẩm, có hai đơn vị thu mua từ TP.HCM, là công ty Công dân chuyên nghiệp và công ty Nông sản nhà quê, mỗi tháng họ đang lấy hơn 1 tấn sản phẩm.

Còn anh Nguyễn Minh Huân, nhóm rau hữu cơ Ba Mỹ, thì nói nhóm đang kết nối với nhóm người tiêu dùng nhỏ, khoảng 4 – 5 gia đình tại TP.HCM, để bán sản phẩm. Thường, đơn hàng được giao hàng tuần. Một số nhóm khác do số lượng rau chưa nhiều, nên lại chọn cách bán theo kiểu “du kích” tại phiên chợ Xanh – Tử tế vào hai ngày cuối tuần ở TP.HCM.

“Giá rau cao hơn 3 – 4 lần so với rau trồng thông thường.Thấy có lợi nên một số hộ dân chưa vào nhóm cũng muốn tham gia”, một nông dân Ba Tri nói.

Ươm mầm nông nghiệp tử tế

Ngoài việc giúp đỡ nông dân, Seed to Table còn hợp tác với sở Giáo dục và đào tạo Bến Tre, làm “Vườn rau hữu cơ” ngay tại các trường, để học sinh thấy tầm quan trọng làm nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… Đến nay, chương trình “Vườn rau hữu cơ” đã triển khai tại 12 trường học, gồm 10 trường THPT và 2 trường THCS. Những sản phẩm trong vườn rau hữu cơ được bán cho các thầy cô và học sinh, và hầu như sản lượng không đủ nhu cầu.

Thầy Nguyễn Văn Bền, phó hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cho hay, vườn rau với mục đích tuyên truyền cho học sinh về lợi ích việc trồng rau hữu cơ. Các em tham gia được tập huấn, học về đa dạng sinh học, hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, học làm đất, ủ phân…

Em Nguyễn Thu Loan, học sinh lớp 7/5, trường Vĩnh Thành kể, mỗi lần học về hệ sinh thái, làm phân hữu cơ em đều kể cho bố mẹ, để mọi người trong gia đình thêm biết, thực hành. Còn em Nguyễn Thuý Quỳnh, học sinh 6/4, nói ban đầu nghĩ phân bò không sạch sẽ gì nên không có ích lợi, nhưng qua những lần học lý thuyết và thực hành, đã hiểu rõ hơn về cách ủ phân, làm ra phân hữu cơ có ích cho cây trồng như thế nào… Được biết, hiện nay nhóm nông nghiệp hữu cơ Bến Tre có logo riêng, do học sinh tiểu học thị trấn Ba Tri, sáng tác trong một cuộc thi.

“Ngoài Bến Tre, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng mô hình này tại 12 trường cấp 3 ở Cao Lãnh, Đồng Tháp”, bà Mayu tiết lộ.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo thegioihoinhap.vn