Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá và xếp hạng cấp thành phố, 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Hạng 5 sao là sản phẩm cấp quốc gia, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hạng 3, 4 sao là sản phẩm cấp tỉnh; các sản phẩm 1-2 sao là các sản phẩm khởi đầu của OCOP sẽ phấn đấu để đạt các thứ hạng cao hơn. Để được công nhận các sao, sản phẩm OCOP sẽ qua đánh giá tại cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương thông qua các tiêu chí: Sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc...
Theo Văn phòng Nông thôn mới TP.Hà Nội, đang tập trung nâng tầm cho các sản phẩm hiện có, tập trung vào 2 nhóm sản phẩm chính đang có lợi thế lớn là thực phẩm và lưu niệm – nội thất – trang trí.”
Hiện nay, thành phố có 1.350 làng có nghề và 308 làng nghề truyền thống đã được công nhận; khoảng 5.000 mặt hàng nông sản, thực phẩm đã được cấp mã QR code truy xuất nguồn gốc. Với tiềm năng về sản phẩm rất lớn như vậy, mục tiêu có ít nhất 1.000 sản phẩm được đánh giá là hoàn toàn khả thi” - ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh thường trực, Văn phòng Nông thôn mới TP.Hà Nội tin tưởng cho biết.
Theo Văn phòng Nông thôn mới TP.Hà Nội, hiện thành phố hoàn thành công tác tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ các tập thể, cá nhân đăng ký nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân... Đồng thời tích cực tổ chức hội chợ, phiên chợ OCOP nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên toàn quốc.
Về lâu dài, Hà Nội sẽ đầu tư cho 3 làng nghề: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) phát triển OCOP gắn với du lịch bởi đây là những địa phương có khả năng tạo nên nhiều sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao của Hà Nội.
Đẩy nhanh tiến độ Chương trình OCOP, huyện Thạch Thất đã triển khai sâu rộng tới các chi hội nghề nghiệp, vận động hội viên đăng ký tham gia. Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, vận động, huyện Hoài Đức dự kiến đưa OCOP vào các chỉ tiêu phấn đấu của Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ tới.
Nâng cao chất lượng nhân lực thực hiện Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch số 69/KH-SNN, triển khai thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội năm 2019. Theo đó, trong quý IV-2019, Sở NN&PTNT tổ chức 1 lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP cấp thành phố và 15 lớp cho cán bộ cấp huyện và cấp xã; 15 lớp đào tạo, quản trị sản xuất, kinh doanh cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế, hộ sản xuất về Chương trình OCOP (khoảng 60 học viên/lớp). Nội dung đào tạo, tập huấn, gồm: Phát triển kinh tế tư nhân và hợp tác xã; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn; chu trình OCOP; bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm...