Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, Thông tư quy định, từng ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ cũng như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất ở mức 9%.
Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được xác định bởi công thức Vốn tự có/tổng tài sản Có rủi ro *100%.
Đặc biệt, theo phân nhóm và xác định tài sản có rủi ro, các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Các điều kiện bao gồm, (i) Là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quý định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
(ii) Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.
(iii) Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng. Mỗi khách hàng chỉ được áp dụng hệ số rủi ro này cho 1 khoản vay.
Đáng chú ý, các khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nânng lên 150% kể từ ngày 01/01/2021.
Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản bị áp hệ số rủi ro 200%.
TRẦN THÚY
Từ khóa:
ngân hàng, tín dụng, bất động sản