Cần có cơ chế đặc thù để cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

28/11/2019 18:00

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ, xuống cấp. Việc cải tạo chung cư cũ sẽ khó có thể thực hiện được nếu không có một "cơ chế đặc thù".

B6 và G6A là 2 khu tập thể cũ tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Hơn ai hết, những người dân đang sống trong những căn hộ chật hẹp, bong tróc và ẩm mốc này là những người cảm nhận rõ nhất. Trong những ngày qua, động đất liên tiếp xảy ra, tuy chưa có thiệt hại về người, nhưng cũng khiến những người dân đang sinh sống trong những khu tập thể xuống cấp lo lắng.

Để có thêm không gian, hầu hết các hộ dân đều đua thêm những khung sắt, hay còn gọi là “chuồng cu”, “chuồng cọp” hoặc làm gác-xép bằng bê tông ngay trong nhà mình. Việc xây dựng, cơi nới như vậy làm thay đổi kết cấu của khu chung cư. Nguy hiểm nhất là hàng trăm bồn nước inox được người dân đặt trên nóc chung cư, chỉ được níu giữ bằng cái chân đế và vài sợi dây thép buộc vào bất cứ thứ gì xung quanh. Những bồn nước này có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Trong điều kiện bình thường, chưa kể đối mặt với mưa, bão, hoặc nghiêm trọng hơn, nếu có động đất hay dư chấn động đất, hậu quả khó lượng.

Cần có cơ chế đặc thù để cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội - Ảnh 1.

Việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội cần có một cơ chế đặc thù.


Với chức năng nhiệm vụ của mình, UBND phường phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình để hỗ trợ người dân khi có tình huống xấu xảy ra. Ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Với quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi kiến nghị, các cơ quan cấp trên cần quan tâm đến việc xây dựng mới các nhà chung cư, vì cơ bản chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và tại phường Thành Công nói riêng đã đáp ứng được sứ mệnh lịch sử của nó rồi. Để đảm bảo an toàn và mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân thì cần phải có các giải pháp để xây dựng lại các chung cư này”.

Nhiều chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đang được các quận của thành phố Hà Nội tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại. Từ hơn 10 năm trước, thành phố đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn với nhiều nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều vướng mắc. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như “dậm chân tại chỗ” khi mới chỉ có hơn 20 chung cư cũ đã và đang được xây dựng mới, chiếm hơn 1%.

Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu và có ý định đầu tư cải tạo chung cư cũ nhưng đều vướng phải nhiều thủ tục, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, do thiếu quy định cụ thể hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ, không quy định phân cấp cho cấp quận nên không phát huy được sức mạnh tự chủ của các cấp trong việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phụ trách Ban Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Toàn Cầu, đơn vị chủ đầu tư công trình cải tạo chung cư 30A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi cho rằng, các dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội muốn làm được cần dựa vào những chính sách của Chính phủ, các Quyết định của UBND thành phố, nhưng vẫn chưa đủ. Phải căn cứ vào tình hình thực tế, Chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư phải xây dựng được một chính sách riêng. Từ kinh nghiệm trong triển khai dự án 30A Lý Thường Kiệt, chúng tôi cho rằng, chính sách riêng để giải tỏa đền bù là các cơ quan, tổ chức và các hộ dân phải được lợi hơn so với chính sách chung”.

Từ tháng 11/2018, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị với Trung ương cho phép Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù để giải quyết việc cải tạo các chung cư này. Bởi, chỉ riêng việc được tất cả các chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý để cải tạo đã là một điều khó vì một số hộ gia đình ở tầng 1 thường không đồng ý hoặc yêu cầu hệ số đền bù cao.

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, việc cải tạo chung cư cũ là vấn đề rất cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm của việc cải tạo, chỉnh trang đô thị và nâng cao đời sống của người dân. Cơ chế cũ của Hà Nội từ trước đến nay bị ràng buộc ở việc cải tạo chung cư cũ không thể tái định cư người dân ở đó đi nơi khác. Nếu không có cơ chế để giải bài toán tái định cư thì không bao giờ cải tạo được chung cư cũ. Việc Hà Nội đang đề xuất với Chính phủ cơ chế đặc thù là rất cần thiết.

“Muốn một đô thị hiện đại văn minh thì mật độ xây dựng ở khu vực đó giảm xuống chứ không xây dựng quá nhiều mật độ như hiện nay, để chúng ta có không gian công viên, cây xanh và hệ thống giao thông công cộng thì mới giải quyết vấn đề chung cư cũ. Muốn giảm mật độ giao thông xuống thì phải nâng chiều cao của các công trình xây dựng, đồng thời phát triển hệ thống không gian ngầm, phải phát triển cả 2 chiều thì mới thực sự biến khu chung cư cũ hết sức chật hẹp, bất tiện thành các khu hiện đại”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp cải tạo chung cư cũ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, giải pháp hiện nay là phải sửa đổi bổ sung thể chế, sau đó là chú ý phải có quy định cụ thể linh hoạt hơn về tăng chiều cao và dân số đối với các dự án cải tạo chung cư cũ trong một số trường hợp. Hiện nay, khó khăn nhất của việc cải tạo chung cư cũ là không bảo đảm được hài hòa lợi ích của Nhà nước của nhà đầu tư và nhân dân. Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất trong thời gian tới Chính phủ cần bổ sung chính sách về việc này./.


Theo Thành Trung

VOV

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo cafef.vn