Các bệnh người cao tuổi dễ mắc lúc giao mùa

11/09/2020 23:32

Lúc giao mùa, trong điều kiện thời tiết thất thường, khi nắng gắt, khi mưa nhiều, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi (NCT) ngày một giảm và dễ chịu sự tác động của thời tiết nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Những bệnh dưới đây là những bệnh NCT dễ mắc trong lúc giao mùa.

Rối loạn giấc ngủ

Giấc ngủ rất cần cho một cơ thể khỏe mạnh, ngủ không đủ hoặc bị các chứng rối loạn giấc ngủ sẽ dẫn tới những điều tồi tệ cho sức khỏe. Ở NCT, giấc ngủ càng quan trọng hơn bao giờ hết do độ tuổi này sức khỏe bắt đầu suy giảm cùng với những căn bệnh tuổi già. Khi thời tiết thay đổi, cơ thể mất nhiều năng lượng để thích ứng nên rất khó ngủ. Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh rất đáng ngại với NCT. NCT thường chỉ trải qua giấc ngủ thực sự khoảng 4giờ mỗi ngày, chính điều này đã là sự biểu hiện của việc không được ngủ đủ giấc. Có thể lúc đi ngủ thì thường trằn trọc mãi không ngủ được hoặc là ngủ rất dễ nhưng lại tỉnh sớm và nằm trằn trọc cả đêm. Ở những người có tình trạng rối loạn giấc ngủ làm cơ thể không được hồi phục sức khỏe đầy đủ sẽ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng tới thần kinh. Do sức khỏe kém nên NCT thường ít vận động thể chất khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, ốm yếu, kém phần dẻo dai cũng khiến người cao tuổi khó đi vào giấc ngủ hơn. Tình trạng rối loạn giấc ngủ không được điều chỉnh, lâu ngày còn có thể dẫn tới suy nhược cơ thể, chán nản, trầm cảm hay cáu gắt, chán ăn, buồn bã, bi quan...

Người cao tuổi sức khỏe kém, mắc các bệnh mạn tính cần đi khám sức khỏe định kỳ để phòng các bệnh nhiễm khuẩn lúc giao mùa. Ảnh: Trần Minh

Bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh NCT thường mắc phải. Khi trời nóng nực, NCT bị ra mồ hôi nhiều nên rất dễ bị mất nước và chất điện giải. Trong khi đó, NCT lại hay mất cảm giác khát nên không chủ động uống đủ nước cần thiết. Quá trình này nếu không được khắc phục, để kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày có thể gây ảnh hưởng lớn đến huyết áp và nhịp tim của cơ thể NCT như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt (đặc biệt là ở những người có tiền sử huyết áp thấp). Hơn nữa, khi cơ thể NCT bị mất nước và chất điện giải thì khả năng tự điều chỉnh rất khó khăn. Do đó, nếu cơ thể mất nước nhẹ thì sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt, nếu mất nước nặng hơn có thể gây trụy tim mạch.

Bệnh đường hô hấp

Giao mùa nóng lạnh, mưa nắng thất thường, NCT có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc vào phòng điều hòa nhiệt độ thấp). Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Đối với NCT bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh phổ biến trong mùa mưa. Với NCT, nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa cao hơn người trẻ do sức đề kháng và sự chuyển hóa thức ăn trong cơ thể kém. Hơn nữa, khi trời nóng và mưa nhiều, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh (ăn rau sống, uống nước đá nhiễm khuẩn, ăn tiết canh hoặc thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất) dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải.

Một số NCT do chế độ ăn uống chưa hợp lý nên thường bị đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón... Những bệnh đường tiêu hóa này tái đi tái lại nhiều lần sẽ làm sức khỏe NCT suy giảm và nguy cơ mắc các bệnh tiết niệu, nội tiết, tim mạch... tăng cao hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc
NCT có sức khỏe kém hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, bệnh tim mạch thì cần hết sức lưu ý là không tắm nước lạnh hoặc dùng máy lạnh ở nhiệt độ thấp. Nên tắm nước ấm và dùng quạt điện hay quạt bằng tay, nếu ở phòng máy lạnh thì nên để ở 26 - 280C. Khi đi ra ngoài trời lúc mùa mưa, NCT cần để ý thời tiết để tránh bị dính mưa rất dễ bị cảm lạnh.

NCT không nên dùng thực phẩm lạnh quá (chè đá, uống nước có đá hoặc dùng hoa quả lấy ra từ tủ lạnh...). Không nên uống bia lạnh, nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, không để tình trạng khát nước. Nên ăn nhiều rau, trái cây, nhất là các loại rau, quả dễ tiêu hóa vừa để cung cấp thêm nước, các vi chất, vừa để chống táo bón. Nên tham gia các bài tập thể dục dành cho NCT (tập thể dục dưỡng sinh hoặc đi bộ, chơi cầu lông, bơi) hoặc đi bộ tùy theo tình trạng sức khỏe.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

BS. Hữu Hạnh
Theo https://suckhoedoisong.vn/cac-benh-nguoi-cao-tuoi-de-mac-luc-giao-mua-n179840.html