Bầu Kiên rút lui, VietBank "kẹt" lại với 608 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5

02/10/2019 14:45

Kết thúc nửa đầu năm 2019, gia đình bầu Kiên thoái gần hết vốn và rút khỏi ban điều hành, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietBank giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Hơn 6 tháng tính từ thời điểm nhóm cổ đông liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thoái gần hết vốn, còn bà Đặng Ngọc Lan rút khỏi HĐQT VietBank, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietBank đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018. Còn khoản 608,1 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5 của ngân hàng dường như vẫn chưa được xử lý.

Sau hơn 12 năm hoạt động và phát triển, ngày 30/7 tới đây, hơn 419 triệu cổ phiếu VBB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM, biên độ giao dịch ngày đầu tiên trên thị trường UPCoM là ±40%, Ở mức tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu, vốn hoá trên sàn của Vietbank sẽ đạt 6.285 tỷ đồng.

Đây là một bước tiến mới trong quá trình phát triển của VietBank khi mới chỉ cách đây ít tháng, ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và đã hoàn tất bán toàn bộ cổ phần tại VietBank, còn bà Đặng Ngọc Lan cũng rút khỏi HĐQT.

1 thập kỷ của vợ chồng bầu Kiên tại VietBank

Sự kiện cổ phiếu VBB lên sàn UpCom diễn ra trong bối cảnh vị thế của VietBank, nếu so sánh với các ngân hàng thương mại khác, ở mức “ngân hàng có quy mô không lớn, năng lực tài chính chưa đủ mạnh, mạng lưới hoạt động còn hạn chế và số lượng lao động thấp, các đơn vị kinh doanh có quy mô hoạt động nhỏ”, như cách nhận xét của ban lãnh đạo VietBank về ngân hàng mình.

Vietbank được thành lập vào tháng 12/2006 trên cơ sở khôi phục lại hoạt động của Ngân hàng TMCP Nông thôn Phú Tâm, có trụ sở chính và địa bàn hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng, số vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng.

Tính tới ngày 30/6/2019, VietBank đã gia tăng quy mô tổng tài sản gấp hơn 57 lần, hoạt động với 19 chi nhánh, 93 phòng giao dịch tại 15 tỉnh/thành phố.

Bầu Kiên rút lui, VietBank

 VietBank hiện hoạt động với 19 chi nhánh, 93 phòng giao dịch tại 15 tỉnh/thành phố. (Ảnh minh hoạ)

Nhìn lại quá trình phát triển hơn 12 năm của VietBank, không thể không nhắc tới dấu ấn của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên - PV) và bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Kiên) với vai trò là cổ đông nắm giữ một số lượng lớn cổ phần thông qua người thân trong gia đình.

Ngoài ra, giữa các cổ đông sáng lập VietBank là nhóm có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm và gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) cũng từng có thời kỳ gắn bó, cùng đưa VietBank phát triển trở thành một ngân hàng có chỗ đứng nhất định trong hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Song tính từ năm 2017 đến đầu năm 2019, nhóm cổ đông gia đình “bầu” Kiên liên tục có những động thái thoái vốn tại VietBank, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%.

Cụ thể, đầu năm 2019, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bán hết 6,6 triệu cổ phần,tương ứng tỷ lệ 2,035% vốn điều lệ của VietBank, chính thức không còn đóng vai trò cổ đông tại đây. Cùng thời gian này, những người thân trong gia đình bà Đặng Ngọc Lan cũng lần lượt bán cổ phiếu của Vietbank.

Trong đó, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh - bố và mẹ đẻ của bà Đặng Ngọc Lan mỗi người cũng đều bán 3,24 triệu cổ phiếu. Sau khi giao dịch, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh chỉ còn lần lượt nắm giữ 300.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,073% vốn điều lệ và 700.000 cổ phiếu, tương ứng 0,171% vốn điều lệ VietBank.

Bầu Kiên rút lui, VietBank

 Bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Nguyễn Đức Kiên, đã từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT VietBank vào đầu năm 2019. (Ảnh minh hoạ)

Còn bản thân bà Đặng Ngọc Lan, người nắm giữ 14,97 triệu cổ phiếu chiếm 4,068% vốn điều lệ Vietbank cũng đã từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT ngân hàng này theo nguyện vọng cá nhân từ tháng 1/2019. Vậy nên, bà Lan không phải công bố thông tin nếu bán cổ phần.

Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường đầu năm 2019, ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT VietBank cho biết, qua 10 năm hoạt động, VietBank đã có các cổ đông gắn bó, tâm huyết trong đó không thể không kể đến gia đình cổ đông ông Nguyễn Đức Kiên và bà Đặng Ngọc Lan từ ngày đầu thành lập đến nay, đã hỗ trợ rất nhiều cho VietBank.

"VietBank rất cảm ơn và tri ân, ghi nhận sự đóng góp đó", ông Dương Ngọc Hoà nói.

6 tháng vắng bóng bầu Kiên, VietBank thay đổi ra sao

Kết thúc nửa đầu năm 2019, gia đình bầu Kiên thoái gần hết vốn và rút khỏi ban điều hành, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietBank giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế bán niên của VietBank vẫn xấp xỉ cùng kỳ năm 2018 do chi phí dự phòng giảm gần 85%.

Sau 6 tháng đầu năm 2019, VietBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế gần 250 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kì năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 198 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Về nợ xấu, kết thúc năm 2018, dù nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 35% và 29%, nhưng nợ nghi ngờ (nhóm 4) lại giảm 52% so với đầu năm, do đó tổng nợ xấu chỉ tăng 15%, chiếm 444 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm còn 1,25% so với mức 1,35% hồi đầu năm.

Sau 6 tháng đầu năm 2019, nợ xấu của VietBank giảm nhẹ, còn hơn 430 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu về mức 1,14%. Số dư trái phiếu VAMC của VietBank giảm nhẹ, xuống 241,1 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 77,3 tỷ đồng.

Nói đến nợ xấu của VietBank, không thể không đề cập tới khoản mục phải thu của VietBank gồm 608,1 tỷ đồng nợ phải được chuyển nhóm 5 của khách hàng đảm bảo bằng cổ phiếu và bất động sản của một tổ chức tín dụng niêm yết. Ngân hàng dự kiến sẽ thu hồi toàn bộ khoản nợ này trong năm nay.

Song việc khoản mục lãi, phí phải thu của VietBank tăng từ 900 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.411 tỷ đồng vào cuối quí II/2019, cũng như các khoản phải thu tiếp tục gia tăng cho thấy VietBank dường như vẫn chưa xử lý được khoản nợ trên trong 6 tháng đầu năm 2019.

Nhóm bầu Kiên rút lui, ai đang nắm giữ lượng lớn cổ phần VietBank?

Tính đến ngày 30/6/2019, VietBank không còn ghi nhận sự xuất hiện của các cổ đông lớn, có 271 cổ đông nắm giữ cổ phần. Trong đó, có 8 cổ đông là tổ chức trong nước, nắm giữ 31,34% vốn điều lệ.

Những số liệu về cơ cấu cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một số Thành viên HĐQT VietBank trong bản công bố thông tin đã phần nào giúp nhà đầu tư mường tượng “bức tranh” mới về chủ sở hữu của VietBank sau khi nhóm bầu Kiên thoái lui.

Bầu Kiên rút lui, VietBank

 Ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT VietBank.

Theo đó, nhóm cổ đông sáng lập hiện còn ở lại ngân hàng là nhóm liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm với người đại diện là ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT VietBank, nắm giữ 4,552% vốn điều lệ. Con trai ông Hoà là Dương Nhất Nguyên hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 3,055% vốn điều lệ.

Ngoài ra, bà Trần Thị Lâm, vợ ông Dương Ngọc Hoà, cùng hai con gái là Dương Mai Anh, Dương Thảo Anh đều nắm giữ một lượng cổ phần trong khoảng từ 1,7-2,1% tại VietBank.

Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu chứng khoán cá nhân và người có liên quan tại VietBank của các thành viên khác trong HĐQT đều ở mức rất thấp, phần lớn dưới 0,5% cổ phần.

Về lợi ích liên quan đối với ngân hàng, ngày 30/12/2016, vợ chồng ông Dương Ngọc Hoà – bà Trần Thị Lâm đã cho VietBank thuê lại ngôi nhà tại số 90 Cao Thắng, Phường 4, Quận 3, Tp. HCM để làm trụ sở Phòng giao dịch. Giá thuê là hơn 180 triệu đồng/tháng, thời hạn hợp đồng kéo dài 5 năm, từ 1/1/2017 đến 31/12/2022.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo doanhnhan.vn