Phát hiện thủ đoạn phạm tội mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

22/10/2019 17:30

BizLIVE - Từ 01/10/2018 đến 30/9/2019, cơ quan chức năng đã khởi tố 39 vụ án, 112 bị can liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Phát hiện thủ đoạn phạm tội mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Ảnh minh họa.

Phục vụ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.
Số liệu báo cáo tính  từ 01/10/2018 đến 30/9/2019.
Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, Chính phủ cho biết đã phát hiện 15.953 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (giảm 18,03% so với cùng kỳ 2018), 321 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (giảm 4,18% so với cùng kỳ 2018).
"Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT", Chính phủ nhận định.
Riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kết quả được nêu tại báo cáo là đã khởi tố 39 vụ, 112 bị can liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Đáng chú ý, ngoài các vi phạm liên quan đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, vi phạm các quy định về cho vay..., đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới.
Cụ thể như hành vi giả mạo chữ ký trên sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tài sản ngân hàng, giả mạo thông tin khách hàng để làm thẻ tín dụng, làm giả phôi thẻ tín dụng để rút tiền chiếm đoạt.
Hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cấu kết với nhau xin cấp hạ tầng, lập dự án, thông đồng với cán bộ ngân hàng để vay vốn, hợp thức hóa việc sử dụng vốn vay bằng các hợp đồng nâng khống giá trị máy móc, thiết bị với các đối tác nước ngoài để chuyển tiền ra nước ngoài...
Tại báo cáo này, Chính phủ cũng đánh giá, vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra phổ biến, gây bức xúc dư luận, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự tại một số địa phương.
Nhận định tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp, báo cáo dẫn điển hình là Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba môi giới bán nhiều dự án “ma” ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM; Công ty SANA LAND, Công ty Angel Lina ở TP.HCM môi giới, nhận đặt cọc mua đất, bán nền tại các dự án không có thật...
Vi phạm trong lĩnh vực này còn thể hiện trong việc giao đất để thực hiện dự án, bán các cơ sở nhà đất không qua đấu giá, cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến đất đai gây thất thu lớn ngân sách nhà nước.
Các vi phạm liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, áp giá tính tiền sử dụng đất, giao đất thực hiện dự án không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất diễn ra ở nhiều địa phương.
Tình trạng tung tin thất thiệt, giả mạo giấy tờ của cơ quan nhà nước để thổi giá đất lên cao, gây “bong bóng” bất động sản, đầu cơ, tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua ở các thành phố lớn, các khu đô thị đang quy hoạch (Đà Nẵng, TP.HCM,  Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...) cũng được nêu tại báo cáo.

LAM GIANG

Tin liên quan

Cùng dòng sự kiện

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo bizlive.vn