THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG DƯỚI GÓC NHÌN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

15/03/2021 12:28

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, Vùng đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu và 65 % sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước.

Đối với thế giới, ĐBSCL là vựa lúa chiếm khoảng 20% lượng gạo thương mại toàn cầu.  Những chính sách, giải pháp và hành động của Đảng, Chính phủ thời gian qua không đơn thuần chỉ là chính sách phát triển kinh tế, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia của đồng bào, của nhân dân cả nước đối với người dân miền Tây Nam bộ.

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; nhận diện được tồn tại, hạn chế; làm rõ nguyên nhân để xác định nhiệm vụ ưu tiên, giải pháp và nguồn lực  đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, dưới sự chủ trì củaThủ tướng Chính phủ Nguyễn xuân phúc, văn phòng chính phủ đã tổ chức Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào ngày13 tháng 3 năm 2021 tại thành phố Cần Thơ.

Từ góc nhìn khách quan của một định chế tài chính toàn cầu, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Tuck, đã có bài phát biểu quan trọng, Diễn đàn xin trích dẫn những nội dung chủ yếu của báo cáo này để cùng trao đổi

Nghị quyết 120/NQ-CP với phát triền bề vững vùng ĐBSCL

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2050 và tầm nhìn tới năm 2100; định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững một vùng đất giàu tiềm năng và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của cả đất nước.

Là vùng có 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước. ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp  tới 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu và 65 % sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước. Đối với thế giới, vùng là một vựa lương thực chiếm khoảng 20% lượng gạo thương mại toàn cầu. Những chính sách, giải pháp hành động của Chính phủ Việt Nam thực hiện không chỉ nhằm đơn thuần phát triển kinh tế, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia của đồng bào, của nhân dân cả nước đối với người dân miền Tây Nam bộ

Là vùng đất địa linh  nhân kiệt, vùng đã sinh ra và đủ yếu tố hội tụ nhân tài từ nơi khác tìm đến, đó là nguồn lực quan trọng, thậm chí mang tính quyết định cho phát triển tương lai. Trong chiến lược ứng phó với thách thức của BĐKH, tài lực, vật lực là quan trọng nhưng quyết định nhất vẫn là con người, là chất xám, trí tuệ và cả cảm xúc lẫn lòng dũng cảm

Hội  nhập quốc tế, ĐBSCLcó cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.,  Nhấn mạnh triết lý phát triển thuận thiên, nhưng người Việt Nam hiểu rằng, đó không phải là sự cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. BĐKH không phải là do tự nhiên mà là hệ quả tất yếu của các hoạt động con người. Do vậy phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp.

Nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh

Phân tích thực trạng trong vùng, Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ, việc triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2016 về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng trong giai đoạn 2016 - 2020 còn chậm; các Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, ngành, lĩnh vực và địa phương chưa đồng bộ, tính khả thi chưa cao, thiếu tính liên kết toàn vùng, chưa gắn kết chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mê Công. Việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Mặt khác, trình độ học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng còn thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế thấp so với yêu cầu; nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác.

Nghị quyết 12/NQ-CP đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững.

Với tầm nhìn đến năm 2100, Nghị quyết xác định, ĐBSCL phải phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với BĐKH, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống duy trì và tôn tạo văn hóa lịch sử, nâng caođời sống vật chất và tinh thần của người dân

Ngắn hạn hơn, đến năm 2050 mục tiêu cần đạt làtrở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (gấp trên 2 lần so với hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.

Nhằm đánh giá kết quả đạt được sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; nhận diện được tồn tại, hạn chế; làm rõ nguyên nhân để xác định nhiệm vụ ưu tiên, giải pháp và nguồn lực  đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả và thực chất Nghị quyết trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào ngày13 tháng 3 năm 2021 tại thành phố Cần Thơ.

Đồng chủ trì Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghi lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước…cùng tham dự còn có các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các Bộ, Ban ngành của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng là Bí thư Tỉnh ủy, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc các sở, ban ngành của 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự còn có lãnh đạo các cơ quan báo chí, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, viện nghiên cứu, trường đại học; một số hiệp hội; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, những người tâm huyết có nhiều năm nghiên cứu và đóng góp lớn cho sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về phía các vị khách quốc tế, ngoài đại diện của các Đại sứ quán: Lào, Campuchia; Thái Lan; Nhật Bản; Hà Lan; Australia; Vương quốc Anh; Hoa Kỳ; Italy….; còn có Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Tuck, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Fabrice Richy; đại diện của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)…

Từ góc nhìn khách quan của một định chế tài chính toàn cầu, Carolyn Tuck, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, Diễn đàn xin trích dẫn những nội dung chủ yếu của báo cáo này để cùng trao đổi

Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững kiến giải từ Ngân hàng Thế giới

Mở đầu báo cáo tham luận tại hội nghị quan trọng này, thay mặt các đối tác trong hợp tác phát triển ĐBSCL, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) Carolyn Tuck, đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Viêt Nam về sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL. Bà nêu rõ, Nghị quyết số 120 của Chính phủ ban hành năm 2017 là một cột mốc đột phá thực sự, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận phòng vệ thụ động đối với BĐKH chuyển sang hướng tới mô hình “chủ động thích ứng với thiên nhiên”. 

Nghị quyết 120/NQ-CP đã chỉ ra, BĐKH và nước biển dâng cùng với thay đổi cực đoan về thời tiết và xâm nhập mặn đã trở thành tình trạng bình thường ở ĐBSCL. Nghị quyết này cũng tạo cơ sở để chuyển đổi quan điểm phát triển của khu vực từ phát triển hộ canh tác quy mô nhỏ sang phát triển mang tính liên tỉnh, toàn đồng bằng và xuyên biên giới; từ phát triển ngắn hạn theo từng ngành hàng sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tích hợp.

Nhìn lại hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, đại diện Ngân hàng Thế giới đã khẳng định và chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những kết quả đạt được. Hội nghị này là một  minh chứng rõ ràng về chuyển biến tích cực trên nhiều mặt quan trọng, bao gồm cả cải cách về chính sách và thể chế, hành động mang tính tích hợp trong các lĩnh vực ưu tiên.

Với tư cách là Đối tác phát triển (ĐTPT) của Việt Nam, W.B đã cam kết trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL. Trong thực hiện Nghị quyết 120, giai đoạn 2015-2020, W.B đã huy động khoảng 2,2 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và đầu tư trong khu vực; hầu hết số vốn vay này đều phù hợp với Nghị quyết 120/nq-CP. Các ĐTPT đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chính phủ các cấp để thực hiện những mô hình mang tính sáng tạo và đầu tư hạ tầng quy mô lớn để tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng cho người dân cả ở khu vực nông thôn, thành thị trên địa bàn các tỉnh và toàn đồng bằng.

Thành công nổi bật trong quan hệ đối tác giữa các bên đó là xây dựng Quy hoạch Vùng ĐBSCLvới việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng, khởi động Chương trình tổng thể chuyển đổi Nông nghiệp, nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát, dữ liệu và hỗ trợ cập nhật chiến lược phát triển dựa trên không gian lãnh thổ phục vụ các quyết định cho toàn vùng trong các lĩnh vực như tài nguyên nước và nông nghiệp, giao thông và kết nối, đô thị và xây dựng cũng như phát triển năng lượng bền vững.

Từ thành công hợp tác mang lại, trong tương lai, W.B đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục huy động thêm tri thức và nguồn tài chính để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP. Theo đó, sẽ  tập trung vào hỗ trợ các cơ quan trung ương, địa phương và các bên liên quan khác để giảm thiểu rủi ro, nắm bắt cơ hội phát sinh từ BĐKH, thay đổi về nhân khẩu học, thị trường trong và ngoài nước, tiến bộ về công nghệ và địa chính trị của lưu vực sông Mekong.

Thaycho lời kết

Tại diễn đàn lần này, Đai diện của Ngân hàng Thế giới đã thông báo một số nội dung mà các ĐTPT cho là quan trọng để Chính phủ Viêt Nam tiếp tục cân nhắc khi thực hiện các chương trình nghị sự cực kỳ quan trọng trong tương lai.

Theo đó, trước tiên, cần đảm bảo sự phối hợp và điều phối theo chiều dọc và chiều ngang

Để thực hiện thành công Nghị quyết 120/NQ-CP, các chính sách và chương trình liên quan đòi hỏi phải tập hợp các bên hữu quan nhằm xác định định hướng và mục tiêu phát triển chung cho vùng trên cơ sở đó, xác định ưu tiên đầu tư, phân cấp trách nhiệm và chia sẻ rủi ro và lợi ích.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh và thành phố trong vùng, giữa các bộ ngành trung ương, giữa trung ương với địa phương, và nhất là mối liên hệ giữa quy hoạch - tài chính - quản trị sẽ tăng cường hiệu quả cho công tác quy hoạch và kế hoạch tổng hợp, tăng hiệu quả trong thực thi ngân sách, huy động tài chính, thay đổi chính sách và khả năng cạnh tranh.  

Với hàm ý này, Chính phủ cần tiếp tục hợp tác chủ động mang tính xây dựng với các nước tiểu vùng sông Mekong. W.B đánh giá cao bước đi đột phá của Chính phủ Việt Nam trong việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCLvà hy vọng sự hoạt động hiệu quả của Hội đồng. Như một minh họa, đại diện W.B đã nhấn mạnh về tiểu ban về quản lý lũ lụt ở vùng Thượng nguồn Đồng bằng, nhằm phối hợp các nỗ lực khôi phục hơn 9 tỷ m3 nước lũ có thể trữ trong mùa mưa nước nổi ở vùng hấp thu lũ Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Theo đó, hơn 60.000 ha diện tích có thể chuyển đổi từ thâm canh lúa ba vụ thành nông nghiệp dựa vào lũ với việc đầu tư theo chuỗi giá trị, mang lại lợi nhuận cao gấp 4 lần cho người nông dân nhờ phá vỡ chu kỳ dịch hại, giảm sử dụng thuốc trừ sâu và tạo điều kiện cho 96.000 ha lúa mùa khô chuyển sang sản xuất sạch hơn.

Thứ hai, triển khai thực hiện nhiệm vụ lớn và phức tạp là xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng trong giai đoạn 2021-2030. Theo W.B, việc đưa quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên của cả nước này vào thực tiễn triển khai sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn của toàn bộ chính quyền và nhà nước với một kế hoạch thực hiện hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ khởi động quá trình thực hiện Quy hoạch vùng và tiếp tục hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, W.B đề xuất và kêu gọi sự hợp tác của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2021 sau khi Quy hoạch vùng được phê duyệt.

Thứ ba, ĐBSCL Là một trong những khu vực màu mỡ nhất trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công bền vững về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Với những nội dung gợi ra, W.B kì vọng đến năm 2025, trên 60% dự án đầu tư công sẽ được lồng ghép các yếu tố BĐKH và rủi ro môi trường trong thiết kế như tích hợp rừng ngập mặn vào khu vực nuôi trồng thủy sản dọc theo dải đê biển hiện hữu bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến đã thử nghiệm và có thể nhân rộng.

Với việc quản lý sử dụng đất mang tầm nhìn chủ động thích ứng, W.B cho rằng, trong vòng 10 đến 20 năm tới diện tích rừng ngập mặn dọc theo các bờ biển dễ bị xói lở có thể mở rộng lên tới 50.000 ha, sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học và thủy sản ven biển hiệu quả , đồng thời giảm thiểu rủi ro thiên tai, giảm khai thác nước ngầm và sụt lún trong khi vẫn duy trì và thậm chí tăng sản lượng tôm hiện tại

Thứ tư là huy động tài chính đầu tư cho ĐBSCL. Đây được coi là nhiệm vụ thiết yếu và phải dựa trên các nguyên tắc về lập kế hoạch dài hạn, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. W.B cho rằng, cần phải thiết lập một nền tảng huy động tài chính tổng hợp để tập hợp các nguồn lực công và tư, đồng thời phân bổ các nguồn lực cho các khoản đầu tư thông minh ứng phó với BĐKH bằng cung cấp nhưng khung khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ đối tác tài chính giữa các tỉnh và cơ chế mở rộng tài chính tư nhân,thiết lập một hệ thống thực thi và phân bổ ngân sách đơn giản và hiệu quả với các biện pháp khuyến khích tài khóa mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư mang tính vùng và liên tỉnh.

Kết thúc bài phát biểu, Carolyn Tuck nhấn mạnh, ĐBSCL là một minh chứng thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển. Đi kèm với kỳ vọng cao là trách nhiệm to lớn để biến tư duy và cách tiếp cận đó thành hiện thực và thành công, không chỉ đối với 20 triệu người dân vùng đồng bằng, mà đối với cả nước như một nguồn cảm hứng và một hình mẫu cho phát triển vùng. W.B đã nhìn nhận và chia sẻ cùng Chính phủ Việt Nam về những thách thức to lớn cần đối mặt trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120 trong thời gian tới.

Với tư cách là một Đối tác Phát triển, giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Địa chỉ liên lạc                Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân,  Quận Tây Hồ Hà Nội

               Mob 0829848231; Email Lethanhy 05@gmail.com

 

File PTBV vùng ĐBSDL 3.2021(S)

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.