Hơn 1 tuần sau quyết định hạ lãi suất cơ bản lần thứ 3 trong năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trên thế giới, nhiều ngân hàng Trung ương của một số nước cũng đã đi theo xu hướng này.
Cụ thể, mới đây, Thái Lan tiếp tục giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục. Trung Quốc cũng vừa cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016…
Theo Thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), từ đầu năm 2019 đến nay đã có 46 ngân hàng Trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất.
Ngân hàng Trung ương của một số nước đã giảm lãi suất theo FED, nhưng tại Việt Nam, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. (Ảnh minh họa: KT)
Còn tại Việt Nam, gần đây một số ngân hàng thương mại đã rút dần các mức lãi suất huy động cao vượt trội qua đợt tăng trong quý III vừa qua, tuy vậy, theo nhận định chung, lãi suất huy động vốn trung và dài hạn tại Việt Nam hiện vẫn khá cao, nhiều ngân hàng vẫn đang áp từ 8,5% đến gần 9%/năm.
Theo lý giải của TS. Nguyễn Trí Hiếu, lý do Mỹ và các nước khác đang giảm là vì các nước muốn thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao hơn nên đã đẩy lãi suất xuống theo chính sách nới lỏng tiền tệ. Rất nhiều nước khác cũng giảm theo lãi suất của Mỹ bởi họ lo ngại vấn đề tỷ giá, nếu không giảm lãi suất thì giá trị đồng bảng trong nước so với USD sẽ tăng giá trị lên. Khi tăng giá trị lên thì tỷ giá của họ so với đồng USD sẽ giảm xuống, từ đó ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại đi ngược lại với xu hướng này, lãi suất không những không giảm mà lại tăng lên. TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, thứ nhất, thời điểm này, tình trạng phát triển của nền kinh tế đất nước tương đối khả quan, hết năm nay có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng là 6,8%. Lạm phát cũng đang kiểm soát tốt, nếu đẩy lãi suất xuống thì có thể lại khiến lạm phát “bùng” lên. Thành ra với tình hình kinh tế vĩ mô như vậy, Việt Nam chưa cần hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Cũng theo ông Hiếu, lãi suất tại các ngân hàng tại thời điểm này lại tăng lên là do theo chu kỳ kinh tế, cứ đến cuối năm, các doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế rất cần nguồn vốn, do đó, các ngân hàng phải huy động để có đủ vốn cho vay. Khi huy động vốn thì thường các ngân hàng hoặc là giữ nguyên lãi suất hoặc là tăng lãi suất. Ít có ngân hàng nào “dám” hạ lãi suất, vì như vậy là chứng tỏ ít có khả năng hấp thụ nguồn vốn và cạnh tranh như vậy sẽ có nguy cơ mất khách hàng.
“Quy định của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn rút xuống 40%, trong tương lai sẽ rút xuống 1 lộ trình còn 30%, đồng nghĩa với việc, các ngân hàng ngày càng cần vốn trung và dài hạn, điều này đã thúc đẩy các ngân hàng phải tăng lãi suất cho các kỳ trung và dài hạn để thu hút vốn nhằm đáp ứng điều kiện của NHNN dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Thêm vào đó, bước sang năm 2020, Ngân hàng sẽ áp dụng Thông tư 41 về tỷ lệ an toàn vốn, trong tỷ lệ an toàn vốn mặc dù tỷ lệ kéo từ 9% xuống 8%, nhưng nếu tính đúng, tính đủ thì nhiều ngân hàng hiện tại không đạt được 8%. Vì vậy, các ngân hàng đang “lục tục” gây vốn, huy động vốn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Nhiều ý kiến trong giới nghiên cứu và phân tích cùng nghiêng về khả năng các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng lại như hiện nay mà khó có giảm thêm nữa cho đến năm 2020./.
VOV