Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hiện nay có nhiều dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác nhưng doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Do đó, hiện khoảng 53.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NH thương mại.
Trên thực tế, thời gian qua, NHNN đã liên tục cảnh báo các NH thương mại liên quan đến cho vay các dự án BOT, BT giao thông. Phân khúc này cũng là một trong những lĩnh vực tín dụng được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải kiểm soát chặt chẽ. Số liệu của NHNN cho thấy trong 9 tháng của năm, tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% so với cuối năm ngoái nhưng cho vay các dự án BOT, BT giao thông chỉ tăng 1,85%.
Trạm thu phí hoàn vốn cho một dự án giao thông ở quận 2, TP HCM Ảnh: GIA MINH
Hiện phân khúc này chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ tín dụng. Nếu tính tổng dư nợ tín dụng đối với các ngành kinh tế (tính đến tháng 7-2019) do NHNN công bố là 7,75 triệu tỉ đồng, với khoảng 1,4% dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BOT, BT giao thông sẽ tương đương số tuyệt đối khoảng 108.500 tỉ đồng. Như vậy, gần một nửa dư nợ tín dụng các dự án BOT, BT giao thông (khoảng 53.000 tỉ đồng) có nguy cơ phát sinh nợ xấu, NH thương mại phải cơ cấu lại nợ là con số không nhỏ.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, hiện không nhiều NH thương mại "mặn mà" với việc cấp tín dụng tài trợ các dự án BOT, BT giao thông, thậm chí có NH ban đầu đồng ý tài trợ vốn vay cho dự án BOT, BT giao thông nhưng sau đó lại ngừng do lo ngại rủi ro.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cho rằng không chỉ Việt Nam mà ở các nước, nguồn lực tín dụng từ hệ thống NH cho phát triển hệ thống BOT, BT giao thông là rất quan trọng nhưng phải rất thận trọng. Ngay từ nhiều năm trước, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, bởi cho vay phát triển hạ tầng cần nguồn vốn lớn và thường là các khoản vay dài hạn, nếu không cân đối tốt bài toán hiệu quả, không có dòng tiền hợp lý… dễ dẫn đến nợ xấu, nguy cơ nợ xấu.
Các NH thường huy động vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn nếu tỉ lệ quá lớn dễ dẫn tới rủi ro, nguy cơ thiếu hụt thanh khoản. Do đó, từ vài năm nay, NHNN đã yêu cầu NH thương mại giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, nhằm giảm bớt rủi ro.
Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ - ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành NH. Trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động những nguồn vốn có tính dài hạn, phù hợp nhu cầu vốn dài hạn của các dự án, cũng như tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
"Những kiến nghị của NHNN với Chính phủ nhằm tìm hướng tháo gỡ cho các khoản tín dụng BOT, BT giao thông cũng là nỗ lực trong cuộc chiến giảm nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống NH. Thực tế, một số NH vẫn đang nỗ lực giảm tỉ lệ nợ xấu, nên việc khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho một số dự án BOT, BT giao thông trong thời điểm nhất định có thể là việc "cực chẳng đã" - TS Võ Trí Thành nhận xét.
Một số chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và tránh phát sinh nợ xấu, NH thương mại cần thẩm định kỹ lưỡng phương án tài chính, phương án hoàn vốn… của chủ đầu tư các dự án. Đồng thời, bản thân chủ đầu tư khi lên phương án vay vốn cũng cần lường trước những rủi ro trong quá trình triển khai, thu hồi vốn.
Khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về nguy cơ nợ xấu từ dự án tín dụng BT, BOT giao thông, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã đưa vào quy định các doanh nghiệp (DN) làm những dự án PPP được quyền phát hành trái phiếu độc lập, không phụ thuộc vào nguồn vốn vay NH. Vả lại, các NH thương mại vừa qua cũng chịu áp lực phải "ủng hộ" việc cho vay các dự án PPP, cùng những tồn tại trong quá trình triển khai dự án PPP như quá trình lập dự án có những dự án làm rất vội vàng nên tính hiệu quả không được bảo đảm; khi làm không thăm dò ý kiến của dư luận trước khi triển khai dự án nên có những cái dân không đồng thuận; có những dự án chỉ cải tạo, nâng cấp chút xíu cũng thu phí như làm đường mới; thiếu tính minh bạch trong các dự án đã triển khai... Do đó, dự thảo luật lần này đã đưa các vấn đề này vào để khắc phục những bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện dự án PPP.
"Riêng nợ xấu từ dự án BT, BOT giao thông thời gian qua, NHNN cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng tín dụng tốt hơn" - đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Về khả năng thu hút nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu DN, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng khi nhà đầu tư trúng thầu dự án đã trải qua nhiều công đoạn. Khi được nhà nước chọn để hợp tác tức là đã được định giá, mức tín nhiệm về năng lực thi công, năng lực tài chính, chuyên môn... "Cho nên trái phiếu DN đó phát hành sẽ tạo được cơ sở, niềm tin cho thị trường" - ông Trần Hoàng Ngân nói.
Người lao động