Trời lạnh, coi chừng huyết áp tăng cao

25/12/2020 10:24

Thời tiết có tác động nhất định đến huyết áp. Trời lạnh là yếu tố bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Bởi vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tim mạch, đột quỵ..

Bệnh tăng huyết áp (THA) thường gặp ở tuổi trung niên trở lên. Nhưng nay có không ít trường hợp trẻ tuổi cũng bị THA. Tai biến do THA dễ xảy ra khi thời tiết ngày càng lạnh. Do mùa đông nhiệt độ thấp, cơ thể vì muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự tỏa nhiệt, các mao mạch sẽ co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên. Đồng thời, nhiệt độ thấp nên ra mồ hôi ít, khiến dung lượng máu cũng tăng. Tình trạng co mạch làm lượng máu trở về tim tăng dẫn đến huyết áp tăng, co thắt các mạch vành. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân có triệu chứng đau tức ngực khi không giữ ấm cơ thể, giữ ấm tay chân. Kể cả những người trẻ tuổi, trong những ngày giá rét, nếu không giữ ấm, sẽ bị tê bì tay chân, đau tức ngực, huyết áp tăng...

Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch, được xác định bằng 2 chỉ số là huyết áp tâm thu (chỉ số trên) và huyết áp tâm trương (chỉ số dưới). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết áp mục tiêu (huyết áp chuẩn nhất) là 120/80mmHg. THA là khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Ở người cao tuổi có thể gặp hình thái THA tâm thu đơn độc, nghĩa là huyết tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg nhưng huyết áp tâm trương vẫn nhỏ hơn 90mmHg. Vì huyết áp có thể lên xuống trong những điều kiện nhất định, nên để biết một người có bị THA hay không, thì không thể xác định qua 1 lần đo, mà phải đo nhiều lần trong ngày. Khi đo, bệnh nhân phải tuân thủ những yêu cầu như không hút thuốc lá hoặc uống cà phê 15 - 30 phút trước khi đo, tinh thần thoải mái... và phải thực hiện đo đúng phương pháp.

huyết áp

Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên. Ảnh minh họa nguồn internet

Huyết áp thường có 2 thời khắc cao điểm, đó là khoảng 9h và 18h. Huyết áp tăng cao hay xuống thấp là tùy theo sự thay đổi của tinh thần và cơ thể, thông thường trong khi ngủ khoảng 3 - 4h là thấp nhất, sáng sớm dần dần tăng cao, đến 9h là ở đỉnh cao nhất. Buổi chiều xuống khá thấp, đến 18h lại trở lại cao điểm và trước khi ngủ lại về đáy.

Theo WHO, THA là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người. THA được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc THA. Không chỉ gây ra đột quỵ, THA còn gây suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch...

THA có diễn biến thầm lặng, ít có những biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà nó đem lại thì rất nặng nề. Điều đáng nói là hiện nay, bệnh THA đang phổ biến trong cộng đồng. Thế nhưng, có nhiều người mắc bệnh mà không biết, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp. Hiện có gần 60% người bị THA chưa được phát hiện và điều trị. Nhiều người khi đi khám phát hiện THA nhưng trước đó không hề nhận thấy dấu hiệu nào. Một số người thì có các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt... Tuy nhiên, tùy tường trường hợp mà cơn THA có triệu chứng dữ dội hơn, có thể đau vùng tim, giảm thị lực, người bệnh thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng.

Do THA nguy hiểm như vậy, nên các chuyên gia tim mạch khuyên mọi người cần kiểm soát huyết áp cả khi không có triệu chứng. Mọi người đều có thể chủ động tự kiểm tra huyết áp, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt sẽ giảm các biến chứng tim mạch. Chỉ cần giảm 2mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 7% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, 10% nguy cơ tử vong do đột quỵ...

Cách kiểm soát huyết áp trong mùa đông

Khi trời lạnh, người mắc bệnh THA cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Tạo môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim...

Mọi người không nên thức dậy quá sớm. Bởi sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp gió lạnh sáng sớm cũng có thể khiến huyết áp tăng cao, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim vào buổi sáng. Tình trạng này đã xảy ra nhiều ở người cao tuổi hoặc ở người có thói quen tập thể dục sáng sớm.

huyết áp

Khi trời lạnh, người dân cần đi khám sức khỏe và kiểm tra huyết áp định kỳ. Ảnh: Trần Minh

Người bệnh THA cần kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt là cần ăn nhạt. Chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày với người trưởng thành. Người đã bị THA áp thì ăn càng nhạt càng tốt. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và chế phẩm từ đậu. Ăn nhiều rau xanh, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, ăn nhiều cam, quýt, bưởi dưa hấu là những thực phẩm giàu kali giúp lợi tiểu. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol (các loại nội tạng: tim, gan, óc, thận). Những thực phẩm có nhiều muối như dưa muối, thực phẩm chế biến sẵn không phù hợp với người bệnh THA. Không ăn quá nhiều chất đường, béo... vì chất này sẽ khiến khả năng hấp thụ và trữ nước trong cơ thể tăng, làm cho dung lượng máu trong cơ thể tăng theo. Không uống rượu, bia, cà phê, tuyệt đối không được hút thuốc lá.

Tập luyện đều đặn và phù hợp với sức khỏe là rất quan trọng đối với người bị THA, giúp nâng cao khả năng chống lạnh và ổn định huyết áp. Người bệnh nên chọn hình thức tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền và khí công... Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp. Khởi động kỹ trước khi tập luyện. Nếu thời tiết quá lạnh hay nhiều gió có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.

Điều quan trọng hơn cả là, người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, uống tăng liều thuốc hoặc tự ý thay đổi thuốc. Tuyệt đối không tự bỏ thuốc khi huyết áp đã về chỉ số bình thường mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Việc dừng thuốc đột ngột, dễ làm huyết áp tăng cao đột biến, gây những biến chứng nguy hiểm.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

BS. Trần Thắng
Theo https://suckhoedoisong.vn/troi-lanh-coi-chung-huyet-ap-tang-cao-n184624.#html