Hành trình nghiệt ngã tới Anh và cuộc sống như nô lệ

28/10/2019 07:30

Nhiều người nhập cư tới Anh nói rằng hành trình tới Anh là một trong những trải nghiệm kinh khủng nhất đời họ.

Điều gì khiến các lao động Việt Nam rời khỏi quê nhà, đánh liều mạng sống trong chuyến đi lành ít, dữ nhiều tới Anh. Nhiều người tin rằng đó là lời hứa hẹn, dụ dỗ từ những kẻ buôn người về những công việc hái ra tiền ở xứ sở sương mù.

Nhưng thực tế thì trái ngược. Họ bị bóc lột sức lao động thậm tệ, làm việc tại những nơi có điều kiện nghèo nàn nhưng không dám lên tiếng vì phải kiếm ra ít nhất là số tiền gia đình chạy vạy bỏ ra cho chuyến đi "đổi đời".

Hầu hết những người sang Anh nhờ móc nối với các băng đảng buôn người thường nhận thức được họ sống bất hợp pháp. Họ cảnh giác với cảnh sát, không dám trình báo chuyện bị bóc lột vì sợ bị trục xuất.

Một số thậm chí còn không nhận ra bản thân là nạn nhân của nạn buôn người.

Theo The Guardian, chi phí cho một chuyến đi "chui" sang châu Âu dao động khoảng 10.000 tới 40.000 USD (khoảng 230 triệu đồng cho tới trên 900 triệu đồng). Một số người nói đây là một trong những trải nghiệm kinh khủng nhất trong đời họ.

Hành trình nghiệt ngã tới Anh và cuộc sống như nô lệ - Ảnh 1.

Những người Việt Nam nhập cư trái phép sang Anh được gửi vào các tiệm làm móng hoặc các trang trại cần sa. (Ảnh: The Guardian)

Anh trai của Phạm Thị Trà My, đến từ Hà Tĩnh - người được cho là 1 trong số 39 nạn nhân thiệt mạng trong container hàng đông lạnh ở Anh cho biết gia đình trả 900 triệu đồng cho những kẻ buôn người để đưa em gái anh sang Anh.

Số tiền này được trả lại không lâu sau khi tin tức về thảm kịch xảy ra với 39 người xuất hiện trên các mặt báo.

Theo Mimi Vũ, một chuyên gia nghiên cứu về nạn buôn người từ Việt Nam sang châu Âu, gia đình My tin rằng cô sẽ kiếm được công việc tại tiệm làm móng ở Anh.

Đạo luật Chống Nô lệ hiện đại được cựu Thủ tướng Anh Theresa May ban hành năm 2015 đưa ra các biện pháp để ngăn chặn nạn buôn người đang là vấn đề nhức nhối ở Anh nhiều năm qua. Nhưng việc thực thi đạo luật này gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

Debbie Beadle, Giám đốc chương trình của Tổ chức chống buôn bán người Ecpat cho rằng vấn đề nan giải nằm ở chỗ cảnh sát và chính quyền địa phương chưa được đào tạo để nhận diện những kẻ buôn người.

Tháng 1/2018, 3 người Việt Nam ở Anh bị kết án tù sau cuộc truy tố thành công đầu tiên ở Anh về tội bóc lột và cưỡng bức lao động trẻ em theo Đạo luật Chống nô lệ hiện đại.

Thu Huong Nguyen, 48 tuổi và Viet Hoang Nguyen, 29 tuổi đến từ Burton-on-Trent bị tòa án Stafford kết tội vận chuyển người để khai thác lao động và thông đồng để cưỡng bức lao động. Nguyen bị kết án 5 năm tù trong khi Nguyen bị tuyên án 4 năm tù.

Bị cáo thứ ba, Giang Huong Tran, 23 tuổi lĩnh án 2 năm tù treo. Toà án Stafford cho biết các nạn nhân bị buôn bán khắp nước Anh để làm việc tại các tiệm làm móng khác nhau.

Hành trình nghiệt ngã tới Anh và cuộc sống như nô lệ - Ảnh 2.

Một nam thanh niên Việt Nam sang Anh theo đường dây buôn người. (Ảnh: The Guardian)

Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 2/2016 khi cảnh sát và quan chức nhập cư Anh tới khảo sát một số tiệm làm móng ở thành phố Bath. Ở tiệm nail Bar Deluxe, cảnh sát phát hiện 2 phụ nữ Việt sang làm việc chui tại đây.

2 người đều làm việc 60h/tuần. 1 người được trả 30 bảng/tháng (gần 900.000 đồng) trong khi người kia làm không công và phải ngủ tạm bợ trên gác mái. Họ được đưa tới Anh trên một chiếc xe tải.

Các nạn nhân thường sợ hãi khi phải hợp tác với cảnh sát và thường bị coi là tội phạm nhập cư bất hợp pháp thay vì nạn nhân rồi bị trục xuất về nước.

Do sợ những kẻ buôn người, các nạn nhân cũng tránh chia sẻ về những thứ khủng khiếp mà mình phải trải qua. Chính điều này khiến nhiều người không hình dung nổi cuộc sống khó khăn của các trường hợp đi chui ra nước ngoài,

Stephen (đã được đổi tên để ngăn những kẻ buôn người phát hiện) tới Anh trên một chiếc xe tải đông lạnh sau một hành trình dài đi bộ và ngồi trên xe tải từ Hà Nội. Ở Anh, Stephen bị nhốt trong những căn nhà được cải hoán thành trang trại cần sa. Stephen bị ép làm việc trong 4 năm tại đây.

Stephen nói không thể nhìn ra ngoài vì cửa số đều được phủ bằng lớp nhựa cách nhiệt dày. Cuộc sống tại trang trại không biết ngày, đêm, tuần, tháng.

Cứ vài ngày, một nhóm người Việt Nam sẽ tới kiểm tra cây, mang thức ăn tới cho Stephen.

"Nếu tôi làm gì sai khiến cây cối chết, họ sẽ nổi trận lôi đình và đánh tôi. Cuộc sống của tôi khủng khiếp hơn rất nhiều so với khi tôi sống ở Việt Nam", Stephen kể lại. Khi ở Hà Nội, Stephen là trẻ vô gia cư.

Một lần, một nhóm buôn bán ma túy người Anh xông vào trang trại, trói Stephen lại và lấy đi toàn bộ số cần sa thu hoạch được.

Khi chủ của Stephen trở lại và phát hiện, họ nổi điên và chuyển Stephen đến một địa điểm trồng cần sa mới. Tại đây, Stenphen không bị nhốt bên trong nữa, nhưng bị đe dọa giết chết nếu cố trốn thoát. Stephen nói bản thân cũng không cố trốn chạy vì chẳng biết chạy đi đâu.

"Tôi chỉ biết sống qua ngày. Tương lai mờ mịt. Không ai tử tế với tôi", Stephen nói.

 

Theo Song Hy

VTC News

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Theo cafef.vn