Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.
Tính đến 14h00 ngày 22/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
* Thế giới: 23.125.236 người mắc; 803.245 người tử vong; 15.716.386 người bình phục.
* Việt Nam: 1009 người mắc; 545 người điều trị khỏi, 25 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
Hải Dương chưa phát hiện thêm ca bệnh trong 3 ngày qua
Sáng ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch của tỉnh Hải Dương.
Theo đó, từ ngày 25/7 đến nay Hải Dương có 14 trường hợp mắc COVID-19, trong đó chỉ có 1 trường hợp ngoài cộng đồng, còn 13 ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch Thế giới bò tươi ở 36 Ngô Quyền, các ca mắc đều là các trường hợp F1, chưa có lây nhiễm thứ phát. Hơn 3 ngày qua, chưa phát hiện ca mắc mới, song tỉnh Hải Dương nhận định đây là ổ dịch hết sức phức tạp, thời gian tới có thể sẽ xuất hiện các trường hợp bệnh rải rác, có khả năng lây lan trong cộng đồng, do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm vẫn được tỉnh khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch.
Từ ngày 24/8, sẽ triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đợt 2 bằng kỹ thuật ELISA- xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể, đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7-20/7/2020, những người đến nhà hàng Thế giới bò tươi từ ngày 15/7-20/7/2020, những người dân trong ổ dịch 36 Ngô Quyền từ 10 tuổi trở lên.
Theo các chuyên giia, trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Hải Dương cần lưu ý sát sao đến các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở... Hải Dương cần làm mở rộng xét nghiệm các trường hợp này và các vùng có nguy cơ cao. Do đó, tỉnh cần có kế hoạch bài bản hơn về xét nghiệm, trong trường hợp thiếu hoặc cần hỗ trợ gì để đề nghị trung ương hỗ trợ.
Cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân COVID-19 xuất huyết tiêu hóa
Sáng ngày 22-8, Bộ Y tế thông tin về một trường hợp nhiễm COVID-19 vừa được các y bác sĩ phẫu thuật cứu sống tại BV dã chiến Hòa Vang. Đó là BN888, 65 tuổi đang được điều trị COVID-19 với bệnh nền là huyết áp, tiền sử loét dạ dày. Ngay lập tức ê kíp bác sĩ từ Bv Trung ương Huế và BV Đà Nẵng đã tới BV dã chiến Hòa Vang để phối hợp điều trị cho bệnh nhân. Ngay sau đó, bệnh nhân được mổ cấp cứu kịp thời cầm máu ổ loét bờ cong dạ dày, người bệnh được truyền 2 lít máu và hiện đang hồi sức tích cực.
Đà Nẵng khẩn cấp tìm người liên quan tới 3 ca nghi nhiễm ở chợ Tân Lập và Siêu Thị
Sáng 22-8, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin nhanh về 3 trường hợp là các tiểu thương ở chợ Tân Lập, phường Thạc Gián và chợ Siêu Thị, phường Chính Gián nghi nhiễm bệnh COVID-19. Sở Y tế khẩn cấp tìm người liên quan đến các chợ này.
Cụ thể, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông báo đến các tổ chức, các nhân có tiếp xúc, mua bán, trao đổi hàng hóa với các trường hợp trên hoặc có đến khu vực xung quanh Lô 97 chợ Tân Lập; lô 82 và lô 290 chợ Siêu Thị từ ngày 19 đến ngày 21-8 lập tức liên hệ với Trung tâm y tế quận, huyện nơi sinh sống để khai báo và được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.
WHO khuyến cáo trẻ em từ 12 tuổi trở lên cần đeo khẩu trang như người lớn
Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ông hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt trong chưa tới 2 năm nữa. WHO đã phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố những chỉ dẫn mới nhất, khuyến cáo trẻ em từ 12 tuổi trở lên cần đeo khẩu trang trong những tình huống tương tự được khuyến cáo với người lớn, nhất là khi chúng không thể đảm bảo giữ khoảng cách 1m với những người khác và ở các khu vực có tình trạng lây lan dịch lớn.
Hai cơ quan LHQ cũng cho rằng, vẫn còn nhiều điều chưa biết về mức độ tác động của trẻ em với sự lây lan virus corona. Nhiều dữ liệu cho thấy trẻ em độ tuổi thanh thiếu niên có thể làm lây lan bệnh nhiều hơn những trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân về những việc cần làm khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở:
Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:
1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;
2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;
3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;
4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;
5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…
6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;
7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.