Tỏa sáng tình quân dân

21/10/2020 09:58

Tỉnh Quảng Bình đang hứng chịu trận lũ lịch sử khiến người dân phải gồng mình ứng phó. Hiện ở phía nam Quảng Bình, dù mưa đã giảm nhưng nước lũ vẫn rất cao. Người dân đã trải qua ba ngày ngâm trong lũ, thiếu lương thực, nước uống và giảm sút về sức khỏe. Trong khó khăn đó, cùng với cả cộng đồng, lực lượng vũ trang Quảng Bình luôn đi trước, về sau để chung sức, chung tay giúp đỡ bà con từng bước vượt qua cơn hoạn nạn

Trong trận lũ lịch sử này, Quảng Bình có 100 nghìn ngôi nhà bị ngập, trong đó hơn một nửa nước lũ ngập hai đến bốn mét và nhiều nơi chỉ còn cái mái nhà. Dù đã chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và sơ tán từ nơi nguy hiểm đến chỗ an toàn song do lũ đặc biệt lớn nên người dân rất lúng túng. Có nhiều người lên vị trí cao nhất của ngôi nhà để tránh lũ nhưng đến khi nước dâng quá cao nên phải kêu cứu. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang với các trang thiết bị chuyên dụng mới thực hiện được công tác cứu hộ, sơ tán người dân an toàn. Thượng tá Trần Đức Tới, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết, để kịp thời ứng cứu nhân dân, Công an huyện Lệ Thủy điều động 100% lực lượng xuống các địa bàn trọng yếu, tìm kiếm người dân. Đây là trận lũ lớn chưa từng xảy ra ở Lệ Thủy, nên việc cứu dân phải là nhiệm vụ ưu tiên số một. Công an mỗi xã lập một đội cứu hộ và đã khẩn cấp cứu được hàng trăm người dân mắc kẹt trong lũ. Ông Lê Công Bun ở thôn Hòa Tân, xã Cam Thủy kể, khi lũ lên nhanh, chỉ mình ông bơi được ra ngoài, còn vợ con đang mắc kẹt ở trong nhà. Tình huống nguy cấp, ông phải gọi cho anh Hồ Viết Nam, Trưởng Công an xã ứng cứu. Rất nhanh chóng, sau khi hội ý với các đồng chí lãnh đạo xã, anh Nam và đồng đội dùng chiếc thuyền nhôm, tìm được đến địa chỉ có người kêu cứu. Lúc này, nước ngập gần hết cửa chính ngôi nhà, các anh phải dùng mấy miếng gỗ trải lên mái tôn và mở cửa phụ trèo lên gác lửng để đưa hai mẹ con cùng túi quần áo lên thuyền đến nơi an toàn. Trên đường về, lại nhận được thông tin từ thôn Mỹ Duyệt cần cứu gấp, thế là các anh quay thuyền trở lại đến với bà con.

Ở tuyến phía tây huyện Lệ Thủy, nhiều trường hợp bị kẹt trong những ngôi nhà ngập xăm xắp mái. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình lệnh cho hai tổ công tác sử dụng xuồng chuyên dụng để đi cứu hộ. Đại tá Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng phòng Trinh sát BĐBP Quảng Bình, người trực tiếp chỉ huy các công tác đặc biệt tại huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Khi chúng tôi đến, làng mạc, thôn bản chìm trong biển nước. Theo nhiều người thì đây đã là ngày thứ chín họ phải gồng mình chống chọi ba trận lũ nhưng trận này mực nước lớn chưa từng thấy nên nhiều người bất ngờ và bị động, chưa kịp sơ tán”. Từ thông tin qua cán bộ xã, các tổ BĐBP dầm mình trong nước lũ đến cứu dân. Trong buổi sáng, dù khó khăn về địa hình và vướng nhiều chướng ngại vật nhưng các tổ công tác của BĐBP đã cứu được hơn 20 hộ dân tại xã Sơn Thủy. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đã điều năm ca-nô cao tốc, 13 thuyền và 150 chiến sĩ tham gia ứng cứu nhân dân các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Minh Hóa. Ở đâu khó khăn, nguy hiểm là lực lượng biên phòng có mặt kịp thời để hỗ trợ nhân dân”.

Ở phía bắc Quảng Bình, từ sáng 19-10, nước sông Gianh lên nhanh và chảy xiết. Gần tối, anh Hoàng Ngọc Dương, tổ trưởng tổ dân phố Cồn Két, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn gọi khẩn đến số máy của Thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng Công an thị xã nhờ cứu giúp gia đình gồm hai người già hơn 70 tuổi, một phụ nữ và ba cháu nhỏ vì nhà bị ngập sâu giữa vùng cồn bãi mênh mông nước lũ sông Gianh. Nhận được điện yêu cầu cứu hộ, Thượng tá Lê Văn Hóa cùng tổ công tác dùng ca-nô vượt dòng nước lũ hơn 2 km chảy xiết kịp thời có mặt để đưa toàn bộ gia đình đến chỗ cao. Đáng chú ý, từ những cuộc gọi cầu cứu của người dân, lực lượng Công an các xã Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Thủy, Quảng Hải và các lực lượng phối hợp tại địa phương đã kịp thời đưa sáu sản phụ vượt nước lũ dữ đến bệnh viện sinh nở an toàn.

Đại tá Bùi Quang Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc đưa công an chính quy về xã, không chỉ để bảo vệ an ninh trật tự mà còn là lực lượng chủ công của các địa phương trong việc tổ chức sơ tán, cứu hộ người dân trong lũ lụt. Ở các vùng bị ngập sâu, ngoài lực lượng công an xã làm nòng cốt còn có lực lượng chi viện từ các đội nghiệp vụ thuộc công an các huyện, thị xã, thành phố và của tỉnh để giúp sơ tán người dân.

Hiện, mưa tại Quảng Bình đã giảm, lũ trên các sông tại Quảng Bình đang xuống chậm nhưng vẫn ở mức rất cao. Không chỉ người dân ở trong từng nhà thiếu lương thực, nước uống mà người dân được sơ tán đến các ngôi nhà cao tầng, trụ sở UBND xã, trường học, bệnh nhân đang điều trị bị mắc kẹt tại các bệnh viện bị nước lũ bao vây… đều thiếu lương thực. Vì thế, công tác cứu hộ, cứu nạn và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống đang được các địa phương, lực lượng chức năng và người dân trong tỉnh thực hiện gấp rút nhằm không để đồng bào đói, rét. Lực lượng vũ trang lại được huy động tổng lực để làm nhiệm vụ này.

Nhiều nhóm thiện nguyện tại Quảng Bình đã tổ chức nấu cơm, gói bánh, ủng hộ mì tôm, nước uống cho người dân vùng lũ nhưng thiếu phương tiện thủy để vận chuyển đến các khu vực ngập lụt sâu. Công an và Ban chỉ huy quân sự các huyện tổ chức các đội sử dụng thuyền, ca-nô để cùng với các nhóm thiện nguyện, lực lượng của các ngành đưa hàng hóa, nước uống vào cứu trợ người dân. Cùng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho công tác cứu hộ, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình đã lập các đoàn công tác tiếp cận vùng lũ huyện Quảng Ninh hỗ trợ 300 áo phao, 150 thùng mì tôm, 50 thùng nước uống, 50 thùng lương khô cho người dân; tại huyện Bố Trạch, Công an tỉnh trao 500 suất quà gồm gạo, mì tôm và nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ Giáo xứ Bàu Sen, xã Phúc Trạch. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xuất kho hỗ trợ người dân vùng lũ phía nam tỉnh một tấn mì tôm, năm tạ lương khô, 300 thùng nước uống đóng chai để tạm thời vượt qua đói, khát khi nước lũ chưa rút hết.

Đêm 19-10, một quả núi phía trước Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đổ ụp xuống lấp một đoạn đường 12A và làm sập doanh trại bộ đội. Nhờ chủ động tình huống và sơ tán trước nên không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, sạt lở núi đe dọa đến tính mạng, tài sản của đồng bào ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa. Trong khi doanh trại tạm chưa dựng lại được nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vẫn phối hợp chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 34 hộ với 127 người của bản Cha Lo đến các nơi an toàn. Hành động đó đã làm đồng bào dân tộc nơi đây hết sức cảm phục. Già Hồ Cao ôm lấy Đồn trưởng Phan Thanh Bổng lắc lắc: “Cảm ơn bộ đội lắm, nhà cửa bộ đội hư hỏng chưa làm lại được mà lo cho sự an toàn của bà con, ơn này bà con nhớ mãi”.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Thanh Lam